Hiện nay, thị trường phân bón nông nghiệp rất đa dạng và phong phú. Ngoài các loại phân đơn (đạm urê, supe lân, kali) còn có phân tổng hợp NPK nên việc lựa chọn phân bón nào và sử dụng ra sao để đạt hiệu quả là vấn đề quan trọng đối với nông dân.
Phân bón gốc cho cây trồng thuộc nhóm khó tiêu (sau khi bón vào đất, phân cần phân giải thành chất dễ tiêu thì cây trồng mới hấp thu được). Quá trình phân giải này nhanh hay chậm phụ thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ. Do đó, việc bón phân cho lúa vụ mùa sẽ nhanh thấy kết quả hơn ở vụ xuân. Độ ẩm, nhiệt độ càng cao quá trình phân giải phân càng thuận lợi và diễn ra nhanh hơn, cây trồng hấp thu phân bón được sớm hơn. Ngược lại, nếu độ ẩm và nhiệt độ càng thấp, quá trình phân giải chậm dẫn tới cây trồng chậm được cung cấp dinh dưỡng. Muốn đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng phân bón cho lúa mùa, nông dân cần phải theo dõi và quan sát kỹ diễn biến thời tiết diễn ra trong cả vụ cũng như thời điểm bón để điều chỉnh, chọn lựa loại NPK hay phân đơn cho hợp lý:
Ảnh minh hoạ/Internet. |
+ Đối với bón lót: Nếu lúc làm đất cấy lúa vụ mùa gặp thời tiết có mưa to, thậm chí phải tháo nước đi mới gieo cấy được hoặc nắng nóng liên tục kéo dài, nhiệt độ ban ngày trên 36 độ C thì cần ưu tiên sử dụng bón phân hỗn hợp NPK mà không bón phân đơn để tránh thất thoát phân bón, nhất là nguyên tố đạm. Vì nếu bón urê thì khả năng do rửa trôi hoặc bay hơi lớn hơn nhiều phân hỗn hợp NPK.
Nếu thời tiết lúc bón lót thuận lợi thì có thể sử dụng phân đơn để bón sao cho cân đối và hiệu quả (bón phân vùi sâu từ 6-8cm vào đất).
+ Bón thúc đẻ nhánh: Căn cứ vào diễn biến thời tiết cũng như thời điểm bón lót. Cần bón phân đơn nếu thời tiết mưa thuận gió hòa. Được như vậy, cây lúa sẽ nhanh có dinh dưỡng để hấp thu giúp lúa đẻ nhánh nhanh và tập trung ngay giai đoạn đầu của quá trình đẻ nhánh, làm tăng số bông hữu hiệu và tăng năng suất sau này. Nếu thời điểm này có mưa hoặc nắng nóng kéo dài thì sử dụng phân NPK để bón thúc đẻ.
Lưu ý: Nếu sử dụng phân hỗn hợp NPK bón cho lúa đẻ nhánh cần bón sớm hơn so với bón phân đơn vì phân hỗn hợp phân giải chậm hơn phân đơn (bón vào lúc lúa có 3 lá thật đối với lúa gieo thẳng và bén rễ hồi xanh đối với lúa cấy mạ dược).
+ Bón thúc đòng: Không nên sử dụng phân hỗn hợp NPK để bón cho lúa mùa giai đoạn này vì một tầng đất canh tác lúc này đã chai cứng, khả năng thẩm thấu và phân giải của các viên phân hỗn hợp rất khó và chậm. Cây lúa hút dinh dưỡng giai đoạn này cũng không nhanh bằng giai đoạn lúa còn con gái do bộ rễ đã ăn sâu. Nên sử dụng các loại phân đơn (đạm và kali) để bón theo tỷ lệ thích hợp (trông cây mà bón) sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
+ Bón nuôi hạt: Cây lúa từ thời kỳ trổ bông đến thu hoạch có thời gian là 1 tháng. Đây là thời gian huy động tất cả nguồn dinh dưỡng từ rễ, thân, lá đòng về bông để làm hạt. Năng suất lúa cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn này, nhất là các giống lúa lai (lúa lai từ trổ bông đến thu hoạch hút kali cao gấp hơn 2 lần lúa thuần). Vì vậy, muốn có năng suất cao, nông dân cần phải bón phân cho lúa vào giai đoạn này. Tốt nhất nên sử dụng các loại phân kali sun phát hay còn gọi là kali trắng phun trực tiếp trên bông lúc lúa thấp thoi trỗ hoặc sau trỗ 1 tuần với liều lượng 2 lạng/2 bình phun/lần/sào.
Theo tintucnongnghiep.com