Nghề lưới chấp Hải Triều

08:08, 29/08/2014

Chúng tôi về xã Hải Triều (Hải Hậu) vào những ngày cuối tháng 8, khi những người dân nơi đây bắt đầu một mùa vá lưới mới. Từng nhóm người tập trung với nhau đan lưới, vá lưới, làm giềng, làm chì rộn rã, đôi tay của người làm nghề thoăn thoắt, nhịp nhàng, điêu luyện. Nghề đan lưới chấp ở Hải Triều vừa giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vừa mang đến niềm vui, tiếng cười và sự gắn kết người dân trong làng, xã.

Nghề lưới chấp

Xã Hải Triều nằm ở phía nam huyện Hải Hậu có chiều dài 4km đường bờ biển. Từ đời cha, đời ông, người dân Hải Triều đã có nghề đi biển, nghề đan lưới truyền thống bằng tay cũng xuất hiện từ đó. Trước đây, do đánh bắt chủ yếu gần bờ, ngư dân Hải Triều thường sử dụng lưới đánh cá bằng sợi cước hoặc sợi ni-lon chất lượng kém, độ bền thấp nên rất nhanh hỏng. Hơn nữa, các loại lưới truyền thống chỉ khai thác một vài loại hải sản có kích cỡ và tập tính sống giống nhau, do đó hiệu quả khai thác đạt thấp. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngư dân Hải Triều đã học hỏi và cải tiến lưới đánh cá mới, chất lượng tốt hơn để phục vụ khai thác nguồn lợi hải sản. Chia sẻ điều này, anh Nguyễn Mạnh Cường, ngư dân thôn Tân Minh cho biết: Trước kia, ngư dân Hải Triều đánh được cá lớn thường mang ra đảo Cô Tô bán buôn cho ngư dân Trung Quốc. Trong quá trình giao lưu buôn bán, thấy lưới của họ chắc, sợi rất bền, chúng tôi mua lại lưới cũ của họ về đánh. Từ đó, ngư dân chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm làm lưới. Chúng tôi nhờ ngư dân nước bạn mua hộ lưới sợi rồi đem đan thành lưới đánh bắt cá. Sau khi đưa vào thử nghiệm và chỉnh sửa rất nhiều lần mới cho ra được sản phẩm lưới chất lượng như ngày hôm nay. Người làm nghề gọi đó là lưới chấp (hay lưới xù, lưới xanh). Từ Hải Triều, nghề lưới chấp đã lan ra các địa phương khác và Nam Định trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước đan và sử dụng lưới chấp trong khai thác đánh bắt hải sản. Đến nay, mặc dù lưới chấp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng những cheo lưới (hay còn gọi là tấm lưới hoặc tay lưới) Hải Triều thường có đặc thù riêng biệt mà nơi khác khó có thể đan được. So với lưới của người Trung Quốc thì lưới chấp ở Hải Triều đã có những cải tiến đáng kể phù hợp. Lưới chấp ở Hải Triều có hai loại lưới dùng để đánh bắt xa bờ và đánh gần bờ với kích thước mắt lưới khác nhau. Lưới đánh bắt xa bờ có cấu tạo từ 300 đến 500 mắt/m2, cao từ 48-52m, dài đến 15km. Loại lưới này có thể đánh những loại cá to từ 3 đến 4 tạ, trong đó chủ yếu là cá ngừ; do vậy, sợi lưới cứng và rất chắc chắn. Lưới đánh bắt gần bờ có 3 màng lưới; mỗi màng được thiết kế với kích thước lưới và mắt lưới khác nhau, do đó, lưới khai thác được nhiều loại cá ở các tầng nước khác nhau mà vẫn có độ “cuốn” và “bắt”, không để lọt cá trong quá trình khai thác. Loại lưới này hoạt động hiệu quả với độ sâu trong khoảng 30-80m thuộc phạm vi thả lưới dùng để đánh bắt các loại cá bé nên sợi lưới rất mềm. Cho dù loại lưới nào thì mỗi cheo lưới cũng được cột thêm lộng (lộng dùng kiểm soát chiều cao của lưới ở dưới nước). Khai thác cá ở tầng mặt, ngư dân chỉ cần đốn lộng cho ngắn lại; ở tầng nước sâu thì kéo lộng cho dài ra. Với chất lượng sợi lưới tốt cộng với những cải tiến phù hợp với đặc điểm khai thác, nên lưới chấp Hải Triều có độ bền cao, chất lượng tốt, thuận tiện, hiệu quả và năng suất. Tuy nhiên, để đan được những cheo lưới đạt chất lượng, ngoài việc phải chọn sợi lưới chuẩn, các tay đan phải nắm vững kỹ thuật, kiên trì, tỉ mẩn và thật cẩn thận. Trong quá trình đan và hoàn thiện cheo, người làm nghề phải dùng lực thật mạnh hoặc để đảm bảo hơn, họ thường cột một đầu cheo vào chỗ chắc chắn cố định, đầu còn lại buộc vào xe tải để kéo sao cho các mắt lưới xiết lại thật chặt; giềng được cột vào mắt lưới phải đảm bảo độ vuông và cố định, đảm bảo lưới căng, không lật, gối, không được chạy và biến dạng khi xuống nước.

Người dân Hải Triều vào mùa vá lưới.
Người dân Hải Triều vào mùa vá lưới.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tính đến nay, toàn xã Hải Triều có 56 tàu có công suất 110-400 mã lực trở lên; 109 máy có mã lực từ 18-28CV chuyên đánh bắt gần bờ. Làng lưới Hải Triều đã cung cấp một trong những ngư cụ quan trọng cho ngư dân Hải Triều và ngư dân của toàn tỉnh bám biển mưu sinh. Không những vậy, lưới chấp còn "chen chân" đến với ngư dân các địa phương trọng điểm về nghề cá như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Vũng Tàu... Vượt qua mọi khó khăn, tấm lưới Hải Triều đã khẳng định được tính ưu việt sản phẩm và trở thành thương hiệu quen thuộc đối với ngư dân cả nước. Vì vậy, người Hải Triều đan lưới quanh năm không lúc nào thiếu việc. Anh Cường chia sẻ: Lưới đan chất lượng có tuổi thọ kéo dài tối đa từ 4-5 năm, hiệu quả khai thác cao. Nhờ vậy, khách hàng nhớ và luôn gắn bó với chúng tôi. Hơn nữa, Hải Triều có nghề đi biển, là những người đi biển nên bằng cái tâm của người làm nghề chúng tôi làm cẩn thận như làm cho chính gia đình mình. Có lẽ vì vậy nên lưới chấp Hải Triều ngày càng nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Mỗi năm, Hải Triều xuất bán hàng trăm sản phẩm lưới. Nghề đan lưới cũng giúp người dân kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Mỗi ngày, một người đan tranh thủ được khoảng hơn 1kg, ngồi cả ngày được khoảng hơn 2kg; mỗi cân lưới, người đan được trả 22 nghìn đồng. Bình quân, người đan lưới thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, vào khoảng cuối tháng 8 đến hết tháng 9 hằng năm, người dân Hải Triều lại bắt đầu vào mùa vá lưới. Ấy là bởi, vào thời điểm này, biển động, mưa nhiều, cá ít. Vì vậy, ngư dân thường tránh bão, nghỉ ngơi sau một năm vất vả ra khơi, quăng lưới, đồng thời tranh thủ tu sửa lại ngư cụ, chuẩn bị cho một mùa đi biển mới an toàn và bội thu. Đây cũng chính là thời điểm người dân Hải Triều tất bật, làm không hết việc. Công việc vá lưới làm 8 tiếng/ngày mang lại thu nhập cho người làm hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Cường, do làm lưới tại địa bàn xã cho thu nhập thấp chưa tương xứng với tay nghề của người đan; trong khi đó nhu cầu đan và vá lưới ở miền trong rất lớn lại cho thu nhập khá cao; do vậy, toàn xã hiện có khoảng 30% người làm nghề đan, vá lưới tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đặc biệt là miền Trung và miền Nam hành nghề. Để khắc phục tình trạng trên, giúp người làm nghề Hải Triều “ly nông bất ly hương”, chính quyền địa phương cần có kế hoạch quy hoạch, xây dựng làng nghề, thương hiệu làng nghề, hỗ trợ mở rộng đầu ra cho sản phẩm..., tạo điều kiện cho người Hải Triều được làm nghề trên chính mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com