Khi lúa trỗ bông có rất nhiều nông dân phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu việc này thực hiện không đúng khoa học sẽ rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường…
Nấm đạo ôn chỉ nảy mầm và xâm nhập được vào cây lúa khi điều kiện thời tiết thích hợp: Lớp nước tự do trên lá hay không khí bão hòa (ẩm độ >90%) kết hợp nhiệt độ thời tiết mát mẻ (từ 24 - 28 độ C). Đây là lý do vì sao cứ tháng 3, tháng 4, khi có mưa phùn ẩm ướt kéo dài là xuất hiện đạo ôn gây hại lúa xuân và thời điểm lúa thấp thoi trỗ gặp mưa, sương, mát mẻ là đạo ôn tấn công ngay trên bông lúa. Đồng nghĩa rằng, khi thời tiết không ưu tiên (khô hanh, nắng nóng) thì nấm đạo ôn không thể nảy mầm và tấn công được. Vì vậy, khi phun thuốc phòng bệnh đạo ôn người dân cần căn cứ và theo dõi chặt chẽ các yếu tố thời tiết.
Ảnh minh họa/Internet. |
Đối với lúa xuân, nên phun phòng đạo ôn cho lúa đẻ nhánh khi có mưa phùn kéo dài hoặc nắng, mưa xen kẽ nhiều ngày. Nếu lúa trỗ bông vào các ngày khô hanh, nắng nóng thì không cần phải phun phòng bệnh này. Không phải cứ thấy lúa thấp thoi trỗ bông là nhất thiết phải phun phòng bệnh.
Trên một lô ruộng nấm đạo ôn rất hay xâm hại giống lúa nếp các loại, các giống lúa có bản lá to, dày như BC15, Q5, Xi 23, VN 10… Đối tượng lúa mà nấm hay xâm hại sớm và nặng nhất là lúa bón quá nhiều đạm, bón không cân đối giữa đạm và ka-li. Vì vậy, khi chăm bón thấy lúa xanh non quá thì nông dân cần phải phòng trừ ngay nấm đạo ôn...
Chú ý: Khi phát hiện bông lúa chớm bị bệnh đạo ôn, nông dân cần phun trừ kép và tuyệt đối không được cộng phân bón ka-li phun (ka-li trắng) hoặc các loại phân bón lá có chứa đạm và ka-li khác để phun cùng.
Theo: Khuyến nông Hà Nội