Bệnh dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, bệnh lây lan mạnh, tỷ lệ chết cao (85% - 100%) và thường ghép với bệnh Tai xanh, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng,.... làm cho bệnh trầm trọng thêm. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng phát ra mạnh vào mùa xuân.
1. Nguyên nhân gây bệnh và cách lây lan:
Bệnh dịch tả lợn do vi rút Pestivirut, họ Flavoviridae gây ra. Vi rút có sức đề kháng cao, có thể tồn tại nhiều năm trong thịt ướp đông, 6 tháng trong thịt muối, thịt hun khói, trong phân và nền chuồng hàng tháng nhưng rất dễ bị diệt bởi nhiệt độ cao hoặc hóa chất sát trùng như xút, Han-iodine, Benkocit...
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp trên:
- Lây lan trực tiếp: do lợn ốm tiếp xúc với lợn khỏe.
- Lây lan gián tiếp: do thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh hoặc qua các phương tiện vận chuyển, giầy dép, quần áo của người chăn nuôi, côn trùng làm lây lan dịch.
2. Triệu chứng của bệnh:
Vi rút dịch tả lợn gây bệnh cho tất cả các loài lợn và ở mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với lợn nái thường mang trùng truyền bệnh cho con và làm lây lan dịch. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 8 ngày hoặc có thể dài hơn tùy thuộc vào độc lực của vi rút và sức đề kháng của con vật. Bệnh có thể xuất hiện ở 3 thể bệnh sau:
a. Thể quá cấp tính:
- Thể này thường thấy ở lợn con, bệnh xuất hiện đột ngột, nhiều trường hợp lợn con chết mà không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
- Lợn đang khỏe bỗng nhiên ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41 - 430C.
- Ở chỗ da mỏng như: bẹn, bụng có những nốt đỏ sau chuyển màu tím.
- Bệnh tiến triển 1 - 2 ngày con vật dẫy dụa rồi chết, tỷ lệ chết có thể tới 100%.
b. Thể cấp tính:
- Lợn bệnh chậm chạp, nằm đè lên nhau, kém ăn rồi bỏ ăn, sốt cao 41 - 42 0C kéo dài đến lúc gần chết.
- Mắt viêm đỏ có dử màu xám hay nâu đen.
- Lợn ho, khó thở, ngồi như chó ngồi để thở, chảy nước mũi.
- Lợn nôn mửa, lúc đầu phân táo sau tiêu chảy nặng có khi ra cả máu tươi, phân lỏng màu vàng xám có mùi tanh khắm đặc trưng.
- Niêm mạc miệng, môi, chân răng, gốc lưỡi có những nốt loét phủ bựa màu vàng hay vàng xám.
- Chỗ da mỏng ở bẹn, tai, mõm, bụng có những nốt xuất huyết nhỏ bằng đầu đinh ghim (như muỗi đốt) màu đỏ sau chuyển màu tím.
- Lợn có biểu hiện thần kinh, có những cơn co giật, lợn đi chệnh choạng, đầu vẹo, bại liệt nhất là bại liệt 2 chân sau.
- Đối với lợn nái chửa thường xảy thai, chết lưu thai hoặc lợn con sinh ra yếu, chết yểu.
- Bệnh tiến triển 8 - 15 ngày làm vật gầy yếu rồi chết.
c. Thể mãn tính:
- Lợn mắc bệnh ở thể cấp tính lâu ngày không khỏi chuyển sang thể mãn tính, thường thấy ở lợn 2 - 3 tháng tuổi.
- Lợn lúc đi táo lúc tiêu chảy.
- Lợn ho, khó thở.
- Các nốt xuất huyết ở bẹn, tai, mũi, bụng, sườn, lưng chuyển từ màu đỏ sang màu tím sau đó da bị tróc từng mảng như bánh đa.
- Bệnh tiến triển 1 - 2 tháng làm lợn gầy yếu, chết do kiệt sức.
d. Bệnh tích:
- Chỗ da mỏng như bẹn, chỏm tai, mõm, bụng có những nốt xuất huyết đỏ hoặc tím tràn lan.
- Hạch lâm ba xuất huyết, vỏ thận xuất huyết lấm tấm, niêm mạc bàng quang xuất huyết.
- Lách xuất huyết, nhồi huyết, rìa lách có hình răng cưa (bệnh tích đặc trưng).
- Viêm ruột, ruột có những nốt loét hình tròn, van hồi manh tràng có nốt loét hình cúc áo.
3. Phòng và trị bệnh:
a. Phòng bệnh:
* Về chuồng trại:
- Chuồng trại cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, đảm bảo ấm về mùa Đông và thoáng mát về mùa Hè.
- Nền chuồng, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước; trước cửa chuồng có hố sát trùng. Hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi.
- Có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.
* Về con giống:
- Con giống nhập vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, được nuôi cách ly để theo dõi 10 - 15 ngày.
- Khai báo với trưởng thôn xóm và thú y để quản lý và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
* Về chăm sóc, nuôi dưỡng:
- Cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng.
- Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
* Về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng:
- Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn.
- Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-iodine, Virkon,... khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.
- Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng. Dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới.
* Tiêm phòng vắc xin:
Sử dụng vắc xin Dịch tả lợn nhược độc đông khô chủng C cho tất cả các loại lợn từ 45 ngày tuổi trở lên, trường hợp tiêm sớm hơn (21 - 30 ngày tuổi) phải tiêm nhắc lại mũi 2 sau mũi 1 từ 3 - 4 tuần, sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại.
* Khai báo dịch:
Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy lợn có hiện tượng ốm (sốt cao, bỏ ăn, mắt có dử, chỗ da mỏng có những nốt xuất huyết như muỗi đốt) phải nhanh chóng cách ly những con ốm ra khu vực riêng; không bán chạy, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không giết mổ; báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.
b. Điều trị bệnh:
Bệnh dịch tả lợn do vi rút gây ra hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu./.
Theo sonnptnt.namdinh.gov.vn