Hiệu quả của chế phẩm sinh học EM trong sản xuất nông nghiệp

08:05, 27/05/2011

Những năm qua, việc sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học EM (tập hợp các loài vi sinh hữu ích gồm các chủng loại vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men và xạ khuẩn) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, cân bằng hệ sinh thái do thuốc bảo vệ thực vật gây ra, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Từ thành công dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH-CN) đã nghiên cứu, mở rộng việc ứng dụng chế phẩm EM trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh với 3 nhóm sản phẩm có các tính năng khác nhau. Ứng dụng trong trồng trọt, EM có tác dụng kích thích sinh trưởng, tăng năng suất và chất lượng cây trồng ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Trong chăn nuôi, EM có tác dụng làm tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của vật nuôi đối với điều kiện ngoại cảnh; kích thích khả năng sinh sản và tiêu diệt các vi sinh vật có hại, hạn chế sự ô nhiễm trong chuồng trại chăn nuôi, thích ứng với các loại gia súc, gia cầm và các loài thuỷ sản. Trong bảo vệ môi trường, do có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây thối (sinh ra các loại khí H2S, SO2, NH3…) nên khi phun EM vào rác thải, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi… sẽ khử được mùi hôi, đồng thời làm mùn hóa nhanh các loại rác hữu cơ. EM sử dụng hiệu quả trong việc ngăn chặn được quá trình gây thối, mốc tại các kho bảo quản nông sản. Thực tế triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học tại HTX Quang Trung, HTX Tử Mạc, xã Yên Trung (Ý Yên) đã đạt hiệu quả cao. Các trang trại sử dụng chế phẩm sinh học này trong thời gian 3 tháng đều không có hiện tượng con nuôi mắc bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng ở lợn, trâu bò; tốc độ tăng trọng của vật nuôi tại các trang trại có bổ sung chế phẩm EM trong thức ăn và nước uống tăng 5-7% so với vật nuôi tại các trang trại khác. Ứng dụng chế phẩm EM trong sản xuất khoai tây giống và khoai tây thương phẩm tại Trung tâm giống cây trồng Nam Định và HTX Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã làm tỷ lệ nhiễm các bệnh héo xanh, vi khuẩn và xoắn lá do vi rút giảm 50%, năng suất tăng 8-12%, chất lượng khoai tây giống tăng rõ rệt, củ có da sáng đẹp, đều, giá trị thương phẩm cao. Từ kết quả thực hiện ở các mô hình trên, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN còn triển khai ứng dụng chế phẩm EM trong xử lý nguyên liệu trồng nấm, xử lý nền đáy và môi trường nước nuôi tôm sú theo hình thức bán thâm canh và quảng canh cải tiến tại các xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), Nam Dương (Nam Trực) và các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

Để ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất trên diện rộng và bền vững, năm 2010, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản cho hơn 400 lượt người. Anh Nguyễn Văn Cừ, ở thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) cho biết: Gia đình tôi thường xuyên nuôi 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt đã dùng chế phẩm EM hòa vào thức ăn và nước uống cho lợn theo tỷ lệ quy định, tùy thuộc vào từng thời điểm và đối tượng nuôi, đồng thời phun vệ sinh chuồng trại. Kết quả cho thấy, đàn lợn sinh trưởng tốt, chất lượng thịt đảm bảo do giảm hẳn việc sử dụng thuốc thú y, các loại thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, đồng thời ngăn chặn mùi hôi trong chuồng trại, làm giảm ruồi muỗi và côn trùng gây hại. Hiện tại, trung bình mỗi năm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất 3.000-5.000 lít chế phẩm EM cung ứng cho các đơn vị mua theo hợp đồng như Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định; Sở Tài nguyên và Môi trường và một số khách hàng ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình…

 Xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quá trình sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tái tạo nguồn tài nguyên mà còn thúc đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com