Hiệu quả giáo dục STEM ở Nam Trực

08:01, 08/01/2021

Giáo dục STEM là một mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại. Dạy học theo định hướng STEM là giảng dạy tích hợp bốn lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy kiến thức thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn hàng ngày.

Tỉnh ta là một trong số các địa phương trên cả nước sớm đưa giáo dục STEM vào dạy học và Nam Trực là địa phương đi đầu tỉnh trong việc triển khai giáo dục STEM ở các cấp học, bậc học. Ngay từ năm học 2015-2016 khi Bộ KH và CN và Liên minh STEM phối hợp tổ chức ngày hội STEM lần đầu tiên, Nam Trực đã hưởng ứng bằng việc từng bước tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, đưa giáo dục STEM vào các trường học. Sang các năm học tiếp theo, Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục là phải thực hiện theo mục tiêu: “Quán triệt tinh thần dạy học theo định hướng STEM, chỉ đạo nhiều hoạt động giáo dục tích hợp, liên môn, các hoạt động nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ khoa học chú trọng các hoạt động gắn liền với đặc thù địa phương”, trong đó xác định rõ: Trong quá trình chuyển đổi việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa, thì việc vận dụng sáng tạo các phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp là điều hết sức cần thiết. Trên cơ sở mục tiêu và mục đích, ý nghĩa của việc dạy học theo định hướng STEM, Phòng GD và ĐT huyện xây dựng đề án cụ thể theo 3 giai đoạn: Tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán; Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất; Tập huấn cho giáo viên toàn huyện, kết hợp công tác tuyên truyền; Thí điểm ở một số nhà trường (THCS Nguyễn Hiền, THCS Nam Hồng, Tiểu học Nam Đồng, Tiểu học Nam Mỹ…), đánh giá thực trạng, hiệu quả, sau đó nhân rộng ra toàn huyện.

Thư viện xanh và mô hình STEM sách của Trường Tiểu học Nam Tiến.
Thư viện xanh và mô hình STEM sách của Trường Tiểu học Nam Tiến.

Quá trình triển khai giáo dục STEM ở các cấp học, bậc học, ngành GD và ĐT huyện có những thuận lợi, đó là: Đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo và ủng hộ cái mới, cái tiến bộ để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Qua chương trình xây dựng NTM, 100% nhà trường trong huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chuẩn quốc gia, đáp ứng các điều kiện phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Lãnh đạo các cấp, các ngành trong huyện luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục đổi mới và phát triển trên nền tảng của quê hương hiếu học. Các gia đình nhiệt tình và luôn tạo điều kiện tốt cho con em học tập. Xác định vai trò quyết định của người quản lý đối với việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục nói chung, việc triển khai giáo dục STEM nói riêng, Phòng GD và ĐT cử cán bộ quản lý, đội ngũ cốt cán các nhà trường tham quan nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai thành công giáo dục STEM, tham dự nhiều chương trình liên quan đến giáo dục STEM ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); tham dự Ngày hội STEM với chủ đề “Cỗ máy thời gian” do Cục Thông tin KH và CN quốc gia, Tạp chí Tia sáng, Học viện Sáng tạo S3 phối hợp tổ chức; tham dự “Ngày hội STEM gia đình” tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)... Qua hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm của các đơn vị đã giúp cán bộ quản lý các nhà trường học tập kinh nghiệm của các đơn vị đi trước, rút ngắn được đường đi, lựa chọn có sáng tạo các chương trình, giải pháp phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, Phòng GD và ĐT và các nhà trường chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nói chung và đào tạo đội ngũ cốt cán giáo dục STEM của các nhà trường nói riêng. Tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập cho giáo viên cốt cán tại các trung tâm, học viện của Liên minh STEM Việt Nam. Từ những trải nghiệm quý giá trong những chuyến đi trên cùng với kinh nghiệm, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo đã hình thành đội ngũ cốt cán về giáo dục STEM, tiêu biểu như các thầy, cô: Tạ Văn Cảnh, Lương Thị Phượng, Phạm Thị Ngọc, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền… Từ đó đã nhân rộng đội ngũ cốt cán chuyên sâu về giáo dục STEM có khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục STEM và phổ biến kiến thức giáo dục STEM trên toàn huyện. Ngành GD và ĐT huyện còn chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các hoạt động giáo dục STEM, tận dụng không gian phòng học chức năng (phòng bộ môn), sử dụng không gian hiện có, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và huy động xã hội hoá, mua bổ sung các trang thiết bị còn thiếu. Các trường cũng tiến hành tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho phụ huynh và học sinh; tổ chức các chuyến đi cho học sinh các nhà trường trải nghiệm giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục; tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm tái chế, cuộc thi robotic, sinh hoạt CLB khoa học, hoạt động “Hội chợ xuân yêu thương”, “Ngày hội STEM Nam Trực”, trải nghiệm làng nghề quê hương… Việc tổ chức các hoạt động thực tế đã làm thay đổi nhận thức của học sinh, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo phụ huynh học sinh. Cùng với tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, Phòng GD và ĐT huyện quán triệt tinh thần tích hợp giáo dục STEM trong các môn học có liên quan, đặc biệt là các môn: Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ...; xây dựng và triển khai dự án dạy học STEM. Tổ bộ môn hoạt động tích cực xây dựng các giờ dạy theo hướng liên môn, tích hợp, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức tổng thể giải quyết các nhiệm vụ trong học tập cũng như trong cuộc sống; khuyến khích, hỗ trợ học sinh triển khai các CLB STEM… Các nhà trường đã thành lập và đưa vào hoạt động các CLB STEM như: CLB STEM khoa học, CLB STEM tái chế, CLB STEM robotics... thu hút đông đảo học sinh tham gia sinh hoạt, đem lại hiệu quả cao, bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM cho học sinh. Tiêu biểu như các trường: THCS Nguyễn Hiền, Tiểu học Nam Đào, Tiểu học Nam Tiến, Tiểu học Nam Cường... Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường nắm được kiến thức về giáo dục STEM; 100% học sinh các nhà trường được tiếp cận với phương pháp dạy học STEM và vận dụng kiến thức giải quyết được các vấn đề có liên quan trong cuộc sống. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT huyện còn hình thành được đội ngũ chuyên gia STEM tại chỗ, có khả năng truyền tải, tập huấn giáo dục STEM cho các đồng nghiệp trong huyện, trong tỉnh. Các sản phẩm STEM, KHKT, các giải thưởng trong các cuộc thi lập trình robot, AMC, HOMC… và sự thay đổi nhận thức, bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM của học sinh các nhà trường là minh chứng cho hướng đi đúng về triển khai giáo dục STEM tại huyện Nam Trực.

Giáo dục STEM được triển khai hiệu quả tại các trường học trên địa bàn huyện Nam Trực đã làm thay đổi nhận thức, hình thành kiến thức và kỹ năng STEM của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục, đưa ngành GD và ĐT huyện xứng đáng là 1 trong những đơn vị đi đầu của ngành GD và ĐT tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com