Trường Tiểu học Hải Hà nhiều năm liền có chất lượng giáo dục đứng tốp đầu huyện Hải Hậu. Kết quả giáo dục của nhà trường ổn định qua các năm học với tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%; 100% học sinh được đánh giá về năng lực và phẩm chất tốt và đạt theo quy định của Bộ GD và ĐT; 99,8% học sinh có kiến thức, kỹ năng các môn học đảm bảo theo chuẩn và hoàn thành chương trình lớp học.
Học sinh Trường Tiểu học Hải Hà đọc sách trong thư viện trường. |
Có được kết quả trên, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất của trường từng bước được nâng cao, đáp ứng cơ bản yêu cầu đổi mới giáo dục. Với diện tích 6.305m2, trường có đủ phòng học và các phòng chức năng, sân chơi, sân tập đảm bảo theo yêu cầu quy định. Phòng Tin học, phòng học tiếng Anh được trang bị đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, màn chiếu, máy tính kết nối internet đảm bảo 2 học sinh/máy/1 tiết học. Thư viện nhà trường đã đạt Thư viện tiên tiến và là một trong 2 trường tiểu học của huyện Hải Hậu hoạt động trong Dự án Thư viện thân thiện của Room to read. Đến thời điểm hiện tại nhà trường đã có 7/16 lớp được trang bị ti vi thông minh để khai thác các học liệu điện tử góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của nhà trường. Hàng năm, nhà trường luôn chú trọng nâng cao các tiêu chí đã được công nhận của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3. Hiện tại nhà trường có 16 lớp với hơn 500 học sinh; 24 cán bộ, giáo viên, trong đó 50% giáo viên có trình độ đại học, 4 giáo viên đang theo học lớp nâng chuẩn trình độ từ cao đẳng lên đại học; 1 giáo viên đoạt giải Nhất hội thi giáo viên giỏi cấp huyện và giải Nhì cấp tỉnh.
Để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các giáo viên luôn tích cực tham gia sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm, sáng tạo; chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác kiến thức sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách dựa vào những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi, phát hiện kiến thức mới; định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp để dần hình thành và phát triển khả năng sáng tạo của các em; tăng cường phối hợp học tập cá nhân với học tập nhóm để giải quyết các nhiệm vụ học tập chung. Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các khối lớp lựa chọn các bài học hoặc các hoạt động phù hợp dạy ngoài không gian lớp học; các tiết học áp dụng phương pháp “bàn tay nặn bột”, tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật; các hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú (chơi trò chơi, thực hành, trải nghiệm làm bánh dẻo, trang trí mâm ngũ quả, trình diễn thời trang từ vật liệu tái chế...) giúp học sinh không nhàm chán, kiến thức của bài học được rút ra một cách nhẹ nhàng, chủ động, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, rèn kỹ năng, giáo dục nhân cách sống... cho học sinh. Ngoài ra, 100% số lớp đã phối hợp cùng với phụ huynh và học sinh trang trí lớp và vận dụng các thành tố tích cực của mô hình trường tiểu học mới ở một số bước của một tiết học và các hoạt động giáo dục. Một số hình ảnh trang trí lớp cũng là đồ dùng dạy học cụ thể cho các tiết học để học sinh học có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, để đổi mới các hình thức dạy học, bên cạnh rất nhiều các biện pháp, trường đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp dạy học; trong đó, trước tiên là đổi mới nhận thức của giáo viên về cách thiết kế bài dạy, lập kế hoạch bài học và xây dựng mục tiêu bài học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, làm cho học sinh hứng thú trong quá trình lĩnh hội kiến thức; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển khả năng tự học của học sinh thông qua các môn học, chủ yếu ở môn Tự nhiên xã hội lớp 2, lớp 3 và môn Khoa học lớp 4, lớp 5 với phương pháp bàn tay nặn bột. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm và phát huy khả năng của cá nhân ở tất cả các môn học, qua phương pháp này học sinh sẽ có kỹ năng hoạt động tập thể, tạo ra nhiều cách nghĩ, nhiều phương án hành động, có thể hỗ trợ nhau, đóng góp những ý kiến riêng vào ý kiến chung; giúp học sinh chuyển từ thói quen chỉ nghe và ghi nhớ sang hình thức tham gia hoạt động, cùng nhau tìm kiếm và hình thành kiến thức bằng suy nghĩ chung. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành như môn Tin học, Tiếng Anh; Khoa học, Tự nhiên xã hội; Giáo dục kỹ năng sống; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy các môn học như: Kỹ thuật khăn trải bàn; dạy học theo góc, kỹ thuật KWL trong các phân môn của môn Tiếng Việt...
Với những nỗ lực đó, nhiều năm qua, nhà trường luôn giữ vững kết quả 100% học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học. Kết quả khảo sát của học sinh toàn trường do Phòng GD và ĐT huyện, Sở GD và ĐT tổ chức coi chéo chấm chung nhiều năm liền có chất lượng đại trà xếp từ thứ 1 đến thứ 5/34 trường tiểu học trong toàn huyện. Phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt kết quả xuất sắc ở các nội dung thi và giao lưu cấp huyện và cấp tỉnh như: Hùng biện tiếng Anh; giao lưu viết chữ đúng và đẹp. Năm học 2017-2018, nhà trường được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Năm học 2018-2019, nhà trường được UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”. Năm học 2019-2020, nhà trường có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích cuộc thi An toàn giao thông cấp quốc gia; 1 học sinh đoạt giải Ba Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh; CLB Toán tuổi thơ lớp 5 đoạt giải Nhì trên tạp chí Toán tuổi thơ toàn quốc; 1 giáo viên được nhận Bằng khen của Bộ GD và ĐT trong phong trào thi đua yêu nước. Nhà trường được Sở GD và ĐT tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020. Học kỳ I năm học 2020-2021 nhà trường đã đoạt 3 giải Nhất; 4 giải Ba và 3 giải Khuyến khích trong Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp huyện.
Để tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, thời gian tới nhà trường thực hiện rà soát, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT, từ đó xây dựng, cập nhật kế hoạch phát triển nhà trường trong việc xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục tại địa phương; mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu; duy trì và nâng cao các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ II, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong nhà trường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận