Ngược lại với tâm lý số đông học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không chọn đại học là con đường duy nhất mà đã chọn học nghề để khởi nghiệp. Và những nghề được lựa chọn để theo đuổi bằng đam mê, sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường đã giúp nhiều bạn trẻ xây dựng được sự nghiệp vững vàng. Nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành nguồn lao động chất lượng cao.
Học nghề cơ khí ô tô giúp anh Hoàng Văn Khang tự làm chủ, mở xưởng bảo dưỡng ô tô ở đường Song Hào, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định). |
Tốt nghiệp THPT, mặc dù có lực học khá, song Hoàng Văn Khang (SN 1988) ở xã Yên Cường (Ý Yên) không thi đại học mà chọn học tại khoa Cơ khí động lực Trường Cao đẳng Kinh tế và công nghệ Nam Định. Tốt nghiệp năm 2010, anh vào làm việc ở một công ty tại Cụm công nghiệp An Xá, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, sau 1 năm, anh ra mở cửa hàng chuyên sửa chữa ô tô tại đường Song Hào, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định). Nhờ nhiệt tình, giỏi chuyên môn, cửa hàng của anh ngày càng phát triển. Thấy anh Khang thành công trên con đường học nghề, nhiều thanh niên trong xã cũng tham gia đăng ký học nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Anh Khang cho biết: “Nếu tôi không chọn học nghề thì cuộc sống sẽ không ổn định như hôm nay. Đối với tôi, học nghề phải có sự đam mê, thì mới có thể dồn hết tâm sức vào học tập, sáng tạo trong công việc. Môi trường học nghề sẽ trang bị cho người lao động những kỹ năng cơ bản, còn môi trường làm việc sẽ là nơi ứng dụng và phát huy những phẩm chất nghề nghiệp. Đi lên từ người thợ, tôi có nhiều cơ hội thành công, bởi đã nắm bắt vững chắc mọi “ngóc, ngách” của nghề, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu cho khách hàng, mang lợi nhuận về cho cửa hàng. Sau khi trừ chi phí, hàng tháng tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Qua đó, tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình, phát triển cửa hàng”. Anh Trần Nam Phong, xã Phương Định (Trực Ninh) sau khi tốt nghiệp THPT, nhận thấy khả năng của mình nếu học đại học sẽ rất khó khăn nên quyết định chọn học hệ cao đẳng nghề Điện - Điện tử của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Trong quá trình học, anh Phong được nhà trường giới thiệu thực tập tại một doanh nghiệp chuyên về thiết bị điện, tiếp nhận và tư vấn kỹ thuật, lắp đặt điện tử, điện lạnh cho khách hàng. Tại đây, anh Phong học hỏi được nhiều kinh nghiệm, việc làm đúng với nghề đã học. Khi mới ra trường, anh Phong chưa đặt mục tiêu kinh tế, mà vì đam mê kỹ thuật… Công việc rất đa dạng nên ngoài những vấn đề kỹ thuật cơ bản, anh còn phải tự nghiên cứu những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế công việc. “Những kiến thức, kỹ năng được học đã giúp tôi rất nhiều trong công việc, bởi vì qua trường nghề học sinh được đào tạo sâu về kỹ năng thực hành chuyên ngành gắn liền với thực tế. Đây là một thế mạnh của cá nhân được doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng và cũng là cơ sở vững chắc để có thể khởi nghiệp thành công” - Anh Phong cho biết thêm. Từ năm 2013 đến nay, anh Phong tự đứng ra khởi nghiệp với ngành điện, tự mở cửa hàng của riêng mình và được khách hàng tại địa phương tín nhiệm…
Từ sự thay đổi nhận thức, cách nhìn của xã hội đối với việc học nghề, những năm qua công tác tuyển sinh của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo, gắn với thực hành, nhằm tạo ra đội ngũ lao động vững về kiến thức, giỏi về kỹ năng tay nghề. Các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh cũng tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về nghề nghiệp và việc làm, giúp thanh niên có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn nghề đúng đắn thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng. Hàng năm, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT với sự tham gia tư vấn của giảng viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn. Trong đó, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tư vấn tuyển sinh cho 3.000 học sinh THPT trên địa bàn tỉnh tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; tích cực, chủ động tham gia xây dựng môi trường học đường lành mạnh, trường học thân thiện, học sinh tích cực, tạo môi trường rèn luyện, thi đua học tốt cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động tập hợp, kết nối, đồng hành và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, giáo viên trẻ. Các hoạt động như: “Hội chợ việc làm”, “Ngày hội việc làm thanh niên” được tổ chức thường xuyên, đẩy mạnh việc tiếp xúc với doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên. Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các nhà trường, Trung tâm dạy nghề tổ chức được 114 lớp tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho 27.080 thanh niên tham gia; đã giới thiệu việc làm cho 9.400 đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ cho 512 thanh niên lập thân, lập nghiệp; 4.990 thanh niên được tổ chức Đoàn tư vấn xuất khẩu lao động và 970 bộ đội xuất ngũ được giải quyết việc làm…
Việc giới trẻ dịch chuyển qua xu hướng học nghề cho thấy sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp, đồng thời cho thấy học nghề dễ có việc làm, mang lại mức thu nhập ổn định và mở rộng con đường lập nghiệp hơn cho bản thân./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh