Một trong những định hướng cơ bản của việc đổi mới giáo dục hiện nay là chuyển từ nền giáo dục mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn sang chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học đúng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT): “… khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực...”.
Những học sinh tiểu học tiêu biểu được tặng giấy khen của Sở GD và ĐT tại Lễ Tuyên dương thành tích học sinh giỏi tỉnh năm học 2019-2020. |
Hiện toàn tỉnh có 227 trường tiểu học với 4.844 lớp, 161.100 học sinh. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD và ĐT đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục điều chỉnh nội dung dạy học một cách linh hoạt, đảm bảo mục tiêu giáo dục, thực hiện đúng, đủ chương trình giáo dục theo kế hoạch, phù hợp với đối tượng học sinh và đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của các em. Các cơ sở đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng: thực hiện việc tích hợp, lồng ghép các nội dung học tập về an toàn giao thông bảo vệ môi trường. Sở GD và ĐT hướng dẫn các đơn vị tiếp tục chọn lọc, triển khai những ưu điểm của các mô hình thí điểm, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục mạnh dạn đổi mới các hình thức dạy học và hoạt động giáo dục trên cơ sở chọn lọc những ưu việt của các mô hình thí điểm như: Dạy Tin học theo chương trình IC3-Spark ở 27 trường với 4.285 học sinh tham gia; mở rộng mô hình thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read; tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); dạy tiếng Việt theo tài liệu Công nghệ giáo dục; dạy mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch; dạy khoa học theo phương pháp bàn tay nặn bột; dạy tiếng Anh 04 tiết/tuần. Tất cả các phương pháp học tập trên đã đi vào nền nếp, chất lượng ổn định. Tiếp nối thành công của phong trào tự làm đồ dùng dạy học, nâng cao vai trò các góc hỗ trợ học tập, Sở GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị nhân rộng các đồ dùng hiệu quả, dễ làm tới các nhà trường trong toàn tỉnh. Tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học nhằm tích cực hoá hoạt động của học sinh. Nhiều Phòng GD và ĐT đã triển khai tốt mô hình giáo dục STEM và tổ chức ngày hội trải nghiệm sáng tạo huy động sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ học sinh như ở thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh. Các nhà trường đã tích cực triển khai, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi như: Ý tưởng trẻ thơ, Thách thức tư duy thuật toán, Tìm kiếm tài năng toán học, TOEFL PRIMARY, ASMO. Phần lớn các nhà trường đều đã xây dựng triển khai thực hiện các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm theo môn học ngay từ đầu năm học. Tiêu biểu như Ngày hội STEM ở Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) có sự liên kết với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ giãn cách phòng dịch COVID-19, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng yêu cầu mới. Các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học; xây dựng thời khóa biểu phù hợp. Phần lớn giáo viên các cơ sở giáo dục đều có kế hoạch dạy học trực tuyến, kế hoạch hỗ trợ học sinh ôn tập kiến thức với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng việc học” (học tập qua Zoom Class Meeting, Zalo, in và làm bài tập tại nhà, làm bài trực tuyến trên OLM...) giúp học sinh bắt kịp chương trình ngay sau khi đi học trở lại.
Với những nỗ lực đó, năm học 2019-2020, 81% học sinh tiểu học toàn tỉnh đạt kết quả tốt về năng lực (Tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề), 83,74% học sinh đạt kết quả tốt về phẩm chất (Chăm học, chăm làm; Tự tin, trách nhiệm; Trung thực, kỷ luật; Đoàn kết, yêu thương). Kết quả môn Toán - tiếng Việt: môn Toán có 65,66% học sinh hoàn thành tốt, 33,87% học sinh hoàn thành; môn tiếng Việt có 67,46% học sinh hoàn thành tốt; 32,04% học sinh hoàn thành. Cũng trong năm học 2019-2020, nhiều hoạt động giáo dục được triển khai tại các trường tiểu học như: Tổ chức triển lãm tranh; sáng tạo các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; trình diễn thời trang làm từ vật liệu tái chế; tổ chức Ngày hội Hướng tới người công dân toàn cầu, tiêu biểu như Trường Tiểu học Trần Tế Xương (thành phố Nam Định); tham gia lễ phát động chương trình “Thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu và tuyên truyền về bảo vệ môi trường”, tiêu biểu như Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Trường Tiểu học Chu Văn An, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định)... Các trường cũng khuyến khích học sinh tham gia các phong trào viết, vẽ về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tham gia giao lưu an toàn giao thông, toàn tỉnh đã có 5.434 bài viết của giáo viên, 39.275 bài viết của học sinh, trong đó có 1 học sinh đoạt giải Nhì, 32 học sinh đoạt giải Khuyến khích, 1 giáo viên đoạt giải Nhất, 8 giáo viên đoạt giải Khuyến khích toàn quốc. Tham gia sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ”, toàn tỉnh có 51.772 bài dự thi, trong đó có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích tại vòng chung kết; 2 trường được nhận 20 suất học bổng. Tham dự cuộc thi “Chiếc ô tô mơ ước”, toàn tỉnh có hơn 54.258 bài dự thi, trong đó có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích tại vòng chung kết. Tham dự cuộc thi Toán tiếng Anh quốc tế ASMO, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thành phố Nam Định) có 1 học sinh lớp 4 đoạt Huy chương Vàng quốc gia và đoạt giải Khuyến khích quốc tế tổ chức tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)…
Kết quả của việc đổi mới các hình thức dạy học và hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học là nền tảng để các nhà trường các cấp học tiếp theo tích cực “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cũng như chủ động, sáng tạo đổi mới trong quản lý, giảng dạy và học tập trong năm học mới 2020-2021./.
Bài và ảnh: Minh Thuận