Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với học sinh lớp 1 với nhiều điểm thay đổi liên quan đến sách giáo khoa, nội dung các môn học, thời gian học, phương pháp giảng dạy… Sau 2 tháng triển khai, chương trình thể hiện nhiều điểm mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá học sinh song cũng còn bộc lộ một số khó khăn.
Cô và trò Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) trong một giờ học. |
Về thời lượng, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở lớp 1 thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo các giáo viên trực tiếp giảng dạy, chương trình năm nay khá nhanh và tăng số tiết. Trước đây, chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 có 10 tiết/tuần, chương trình hiện nay là 12 tiết/tuần, tức thời lượng đã tăng lên 20%. Tuy nhiên, chương trình mới không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, từng tuần cho mỗi môn học như chương trình cũ mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. Việc sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn trong năm học, Bộ GD và ĐT đã trao quyền cho các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Vì vậy, giáo viên khá chủ động trong việc lựa chọn kiến thức nào dạy trước hay sau, thậm chí có thể kết hợp với sách giáo khoa của các bộ khác để chắt lọc những từ ngữ, bài đọc hay để đưa vào dạy học sinh. Là một trong những trường học có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) có 208 học sinh lớp 1, chia làm 6 lớp học. Để chuẩn bị thực hiện chương trình một cách tốt nhất, nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên đứng lớp có kinh nghiệm lâu năm, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và 100% giáo viên tham gia các lớp tập huấn do ngành GD và ĐT tổ chức. Cô giáo Lê Thị Hạnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với Trường Tiểu học Nam Tiến, các giáo viên đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực, cộng với sự quan tâm phối hợp của phụ huynh nên học sinh đã nắm kiến thức một cách chủ động. Riêng với môn Tiếng Việt lớp 1, ở giai đoạn đầu năm học, nhà trường giao quyền tự chủ cho giáo viên có thể điều chỉnh bài học trong bao nhiêu tiết, tùy vào nhận thức của học sinh. Với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn và có thể vừa đánh vần vừa đọc. Với kĩ năng viết, những học sinh viết chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao ở những tuần học tiếp theo. Để giúp học sinh có kiến thức, chuyển từ âm vần sang kênh hình, nhà trường đã trang bị trong các lớp học thiết bị dạy học hỗ trợ như ti vi thông minh, sách điện tử… khai thác học liệu điện tử (sách mềm) trong giảng dạy. Đối với học sinh lớp 1, do vốn từ của các em chưa nhiều nên một số “sạn” ở môn Tiếng Việt bộ sách Cánh diều, giáo viên không tập trung vào ý nghĩa ở một số câu chuyện ngụ ngôn trong sách nên không ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của các em”. Cô giáo Trần Thị Kim Tình, Trường Tiểu học Đại An (Vụ Bản) chia sẻ: “Theo tôi, sau 2 tháng dạy chương trình lớp 1 mới có nhiều ưu điểm, học sinh được phát triển kĩ năng nói tốt, các em mạnh dạn, tự tin hơn. Sách giáo khoa có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, kích thích sự hứng khởi, tư duy tò mò sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, môn Tiếng Việt được xây dựng một cách cụ thể hơn theo hướng từ các vật để trẻ bật được ra các tiếng, nẩy ra các âm cần học, chứ không trừu tượng. Tuy cách tiếp cận của chương trình mới hơi gấp gáp trong phần xuất hiện âm ở môn Tiếng Việt nhưng số đông học sinh theo được, chỉ có một vài học sinh chậm thì khó tiếp cận với chương trình. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, tôi cũng thấy có một số khó khăn như tốc độ học của chương trình hơi nhanh, sự tiếp thu của các em không đồng đều”.
Với chương trình mới, lại được triển khai nhanh trong bối cảnh thời gian dài trẻ không được đến trường mầm non do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với giáo viên không có tuần đệm để rèn luyện nền nếp học sinh lớp 1 như các năm học trước nên vào năm học, các thầy cô giáo khá vất vả vì vừa phải dạy kiến thức mới, vừa rèn nền nếp cho học sinh. Tuy nhiên, với vai trò chủ động của các nhà trường và giáo viên đến nay dù chưa đánh giá sâu về nội dung sách giáo khoa nhưng có thể thấy, về hình thức, phương pháp giảng dạy, chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu giúp học sinh tiếp cận với phương pháp dạy mới, trực quan, sinh động, nhanh gọn, không rườm rà. Lần đầu tiên, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường với mục đích giáo dục trẻ phát triển toàn diện; học sinh biết đọc, viết nhanh hơn. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD và ĐT thành phố Nam Định cho biết: “Việc một số phụ huynh cho rằng chương trình nặng có thể do chưa hiểu. Bởi chương trình mới là khung, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, vận dụng và triển khai. Trong sách giáo khoa có thể có những “hạt sạn” nhưng điều đó khó có thể tránh khỏi, bởi trong quá trình biên soạn các tác giả tập trung vào mục tiêu chuyên môn. Ngành Giáo dục sẽ lắng nghe, tiếp thu để làm sao vừa đạt được mục tiêu chuyên môn vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn”. Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt, các trường tiểu học đã xác định chương trình mới cần vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, tăng cường dự giờ, tổ chức các tiết sinh hoạt, giao lưu chuyên môn để định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học có hiệu quả nhất. Mới đây, tại Trường Tiểu học Xuân Hồng, Phòng GD và ĐT huyện Xuân Trường đã tổ chức hội thảo sinh hoạt chuyên môn dạy - học lớp 1 theo Chương trình sách giáo khoa mới. Với sự tham gia của lãnh đạo và chuyên viên của Sở GD và ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 ở các trường tiểu học trong toàn huyện. Sau khi dự giờ học và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hình thức tổ chức dạy học 1 tiết Tiếng Việt, 1 tiết Toán lớp 1, cán bộ quản lý, giáo viên các trường trong huyện đã bày tỏ sự đồng thuận với quy trình, hình thức, phương pháp giáo viên thể hiện qua bài dạy. Qua một số phương pháp dạy học đặc trưng của giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội được thực hành và rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học theo bộ sách giáo khoa lớp 1 mới cũng được cán bộ, giáo viên thẳng thắn trao đổi nhằm tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, phát huy năng lực của học sinh.
Đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các tiết dạy Tiếng Việt, Toán theo sách giáo khoa lớp 1 mới, đồng chí Cao Xuân Hùng, TUV, Giám đốc Sở GD và ĐT yêu cầu các trường quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường. Đối với các bài dài, khó, cần xây dựng giãn số tiết để đảm bảo mức độ kiến thức vừa sức, phù hợp đối tượng học sinh song vẫn đảm bảo tiến độ kết thúc chương trình bài học vào cuối học kì 1, cuối năm học. Từng giáo viên cần chủ động, coi sách giáo khoa thực sự là tài liệu (có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đối tượng học sinh, không bắt buộc phải dạy đúng theo sách giáo khoa như trước), chú ý hơn nữa việc gắn kiến thức bài học với thực tiễn cuộc sống; tăng cường tự làm đồ dùng dạy học… Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đến nay, căn cứ vào điều kiện dạy học, năng lực đội ngũ giáo viên, các trường học trong tỉnh đều có sự lựa chọn sách khác nhau. Nhưng xuyên suốt ở cả 5 bộ sách được phê duyệt trong chương trình giáo dục phổ thông mới và được các trường học trong tỉnh lựa chọn là chuyển từ dạy học theo định hướng phát triển kiến thức, kĩ năng sang dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Vì thế mỗi giáo viên, trường học cần tích cực hơn nữa chuyển đổi trong tư duy, hành động để thực hiện mục tiêu phát huy hiệu quả của các bộ sách mới./.
Bài và ảnh: Hồng Minh