Nắm bắt nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng cao, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều trung tâm ngoại ngữ được thành lập với nhiều quảng cáo hấp dẫn như: Chương trình học đạt chuẩn quốc tế, 100% giáo viên người nước ngoài, phòng học máy lạnh… Tuy nhiên, chất lượng đào tạo có tương xứng với số tiền người học bỏ ra?!
Lớp học tiếng Anh online miễn phí của cô giáo Thùy Linh ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thu hút nhiều học viên ở mọi lứa tuổi theo học. |
Tính đến ngày 31-7-2020, toàn tỉnh có 38 trung tâm tin học, ngoại ngữ do Sở GD và ĐT quản lý, trong đó 2 trung tâm đang tạm dừng hoạt động. Nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài giảng dạy thu hút khá đông học viên đến học. Trung tâm Ngoại ngữ AMES ở đường Trần Phú (thành phố Nam Định) được thành lập từ năm 2017 và được cấp phép hoạt động tiếp từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2022. Với các chương trình học: Tiếng Anh giao tiếp; luyện thi IELTS, TOEIC, TOEFL; tiếng Anh mẫu giáo, tiếng Anh thiếu nhi, các lớp học được mở từ thứ Hai đến Chủ nhật hàng tuần, thời gian cho mỗi buổi học từ 1,5 đến 2 tiếng, trong đó chủ yếu dạy vào thời gian từ 17h30 đến 19h. Lớp mẫu giáo và thiếu nhi với thời gian một tuần thường học 2 buổi, sẽ có học phí cho toàn khóa học trong 6 tháng là trên 8,8 triệu đồng chưa kể tiền sách. Học sinh đăng ký khóa học 12 tháng sẽ được giảm giá 10%. Theo quảng cáo, trung tâm cam kết đầu ra chứng chỉ quốc tế với mô hình học độc đáo, học sinh sẽ được học 100% số tiết với người nước ngoài. Tuy nhiên, trong bảng công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của trung tâm thì chỉ có 1 giáo viên người Mỹ và 7 giáo viên Việt Nam. Hiện tại, trung tâm có 6 phòng học nhưng chỉ được trang bị ti vi và không có máy chiếu, không bảng tương tác. Chị Vân có con đang học lớp tiếng Anh thiếu nhi cho biết: “Tôi mới chuyển cho cháu từ trung tâm khác sang đây học. Học từ hè đến nay thấy cháu tỏ ra rất thích thú vì chương trình học nhẹ nhàng, có nhiều trò chơi lồng ghép trong giờ học do giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo thực sự thế nào thì tôi không biết”. Mong muốn và hy vọng con em mình giỏi ngoại ngữ để giúp ích cho cuộc sống tương lai nên dù kinh tế còn eo hẹp, chị Hoa ở đường Trần Thánh Tông (thành phố Nam Định) cũng cho con theo học tiếng Anh tại một trung tâm trên đường Đông A với mức học phí 3,8 triệu đồng với 20 buổi học, mỗi buổi 2 tiếng. Dù học phí bằng gần một tháng lương của chị nhưng thấy con rất hứng khởi mỗi khi đi học nên chị bàn với chồng dành dụm để đến hết khóa học lại đăng ký tiếp cho con. Tuy nhiên, khi chồng chị kiểm tra mới thấy, dù con được học với người nước ngoài nhưng chủ yếu là các hoạt động hát, vui chơi, tô tranh màu, nhận biết từ vựng theo màu sắc… Qua khóa học con chỉ nhớ được vài từ vựng, phát âm cũng không chuẩn và “thuộc vẹt” được 2 bài hát tiếng Anh. Hiện tại, chị Hoa đã tìm cho con học thêm tại nhà một cô giáo dạy tiếng Anh bậc THCS dù học ở đây con không được vui chơi, giao tiếp nhiều nhưng vốn từ và ngữ pháp đã tốt lên nhiều. Chị hy vọng với cách học này, khi học lên bậc THCS chị sẽ tìm một trung tâm dạy có chất lượng để con luyện thêm về giao tiếp.
Hiện nay, để cạnh tranh thu hút học viên, các trung tâm dạy ngoại ngữ đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi học phí, thuê giáo viên người bản xứ đứng lớp, đẩy mạnh quảng cáo về các chương trình học ưu việt, hấp dẫn... Ngoài các trung tâm chuyên giảng dạy cho những người có nhu cầu làm việc, đi lao động ở nước ngoài có chất lượng thực sự từ chính giáo viên trong nước, những trung tâm có giáo viên nước ngoài thường hướng đến đối tượng học sinh mẫu giáo, tiểu học. Trong đó, nhiều trung tâm liên kết với các trường học để đưa các chương trình quảng cáo vào tận lớp học, phát tờ rơi ở cổng trường, có đơn vị còn tìm được số điện thoại của phụ huynh và liên tục gọi điện mời chào khiến nhiều phụ huynh cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí, qua số điện thoại không rõ “rò rỉ” từ đâu, cùng một thời gian, nhiều trung tâm gọi điện cho phụ huynh còn biết được tên, tuổi, lớp học của con để tư vấn, mời chào. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của các trung tâm đó có bảo đảm đúng như quảng cáo hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Bởi để có thể biết trình độ của giáo viên tại các trung tâm như thế nào, có đạt chuẩn hay không là điều không hề dễ đối với các bậc phụ huynh, tất cả chỉ căn cứ vào những gì trung tâm giới thiệu, quảng cáo... Thực tế, có trung tâm có trụ sở đăng ký trên địa bàn nhưng chỉ là văn phòng đại diện để giao dịch, ký kết hợp đồng đào tạo, thông báo tuyển sinh, chiêu sinh, việc giảng dạy, thi cấp chứng lại diễn ra tại nơi khác. Nhiều trung tâm không đáp ứng đủ về cơ sở vật chất; hồ sơ pháp lý, đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên người nước ngoài còn thiếu, yếu...
Để tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm dạy ngoại ngữ, thời gian qua, Sở GD và ĐT đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các đơn vị hoạt động trái quy định về tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng; thực hiện liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các cơ sở giáo dục công lập không đúng quy định… Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ vẫn chỉ dừng ở các điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, chương trình giảng dạy… chứ chưa có một “thước đo” chuẩn nào trong việc đánh giá chất lượng. Thiết nghĩ, để tạo lập một môi trường dạy và học ngoại ngữ thực sự hiệu quả, thiết thực ở các trung tâm, ngành chức năng ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra; thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các trung tâm trong việc chấp hành các quy định về tổ chức, cần có những biện pháp để kiểm tra về chuyên môn, đánh giá chất lượng hoạt động của các trung tâm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các trung tâm liên kết đưa giáo viên nước ngoài có chất lượng vào giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng nhu cầu xã hội. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi lựa chọn các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để giúp con có môi trường học tập mang lại hiệu quả thiết thực./.
Bài và ảnh: Hồng Minh