Nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

08:10, 09/10/2020

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) là nhân tố quyết định thành công công cuộc đổi mới giáo dục. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục luôn được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT.

Thầy và trò Trường THCS Trực Khang (Trực Ninh) trong một giờ học.
Thầy và trò Trường THCS Trực Khang (Trực Ninh) trong một giờ học.

Những năm gần đây, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục luôn được ngành GD và ĐT quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 1.935 CBQL giáo dục, 23.205 giáo viên từ cấp học mầm non đến cao đẳng. Về cơ bản, đội ngũ CBQL giáo dục và giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ. Hầu hết đội ngũ đều yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục... Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, Sở GD và ĐT đã chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ, chế độ chính sách cho các nhà giáo. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho CBQL, giáo viên. Năm học 2019-2020, có 2.778 giáo viên tham gia BDTX, 126 người được miễn, 2.650 người hoàn thành BDTX; trong đó 1.716 người xếp loại giỏi; 888 người xếp loại khá, 46 người xếp loại trung bình. Qua đó Sở GD và ĐT nắm được thực trạng chất lượng đội ngũ để xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển GD và ĐT. Trong năm học đã có 6.763/7.069 cán bộ, giáo viên hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng. Sở cũng chọn cử 80 CBQL cốt cán các cấp học đi bồi dưỡng tại Học viện Quản lý giáo dục; phối hợp với các đơn vị đào tạo mở lớp bồi dưỡng CBQL giáo dục trường THPT cho 93 cán bộ, giáo viên; cử 14 công chức đi học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, 44 cán bộ, công chức bồi dưỡng lãnh đạo các cấp. Sở GD và ĐT cũng triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và hiện tại đã hoàn thành ở khối trực thuộc với 410 học viên. Đối với phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, đang thực hiện cho 4.000 học viên; phối hợp mở lớp bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp Kế toán cho 120 học viên toàn ngành; chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên thiết bị, thí nghiệm cho 36 học viên. Công tác bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới cũng tích cực được thực hiện. Từ năm 2019 đến nay Sở đã tổ chức 15 lớp tập huấn về chương trình GDPT 2018 và chương trình môn học cho toàn bộ CBQL cấp tiểu học; tập huấn chương trình GDPT 2018 tập trung cho 560 giáo viên chuyên trách tiểu học, tập huấn trực tuyến cho 1.967 giáo viên dạy lớp 1; mở 12 lớp tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho 443 học viên; các phòng GD và ĐT mở 99 lớp tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho 9.828 học viên; tập huấn cho 720 giáo viên lớp 12 dạy các môn ôn thi tốt nghệp THPT năm 2020, 800 CBQL, giáo viên về xây dựng kế hoạch môn học. Cùng với công tác bồi dưỡng giáo viên được quan tâm chỉ đạo ngành cũng quan tâm việc thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ như: Thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ cấp khác; tham mưu thực hiện chuyển giáo viên mầm non hợp đồng thành viên chức, đánh giá, khen thưởng… nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ chuyên tâm với nghề.

Để xây dựng đội ngũ toàn diện, Sở GD và ĐT chú ý thực hiện thuyên chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý và giáo viên trên cơ sở quy hoạch CBQL các giai đoạn 2015-2020, 2020-2025 được xây dựng, phê duyệt, rà soát và bổ sung hàng năm theo đúng các văn bản hướng dẫn của Tỉnh uỷ. Theo đó, năm học 2019-2020, khối trực thuộc đã thực hiện bổ nhiệm mới 7 người (2 cấp trưởng, 5 cấp phó); điều động bổ nhiệm 17 người (4 cấp trưởng, 13 cấp phó), bổ nhiệm lại 20 người (2 cấp trưởng, 18 cấp phó). Sở đang triển khai Kế hoạch số 742/KH-SGDĐT ngày 2-6-2020 về chuyển đổi vị trí công chức, viên chức không làm lãnh đạo, quản lý. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt, Sở GD và ĐT phối hợp với Sở Nội vụ trình HĐND, UBND tỉnh giao đủ chỉ tiêu biên chế theo định mức giáo viên theo quy định của các cấp học; ban hành các văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, biệt phái… đảm bảo đủ giáo viên theo quy định cho các đơn vị đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ; đồng thời hướng dẫn các phòng GD và ĐT, các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên; dự báo nhu cầu, lập kế hoạch và thực hiện việc tuyển dụng giáo viên hàng năm. Đội ngũ giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh được bố trí, sắp xếp tương đối hợp lý, cơ bản đủ về số lượng, cân đối về chủng loại. Việc tuyển dụng giáo viên được triển khai đảm bảo đúng quy định.

Quá trình tích cực triển khai nâng cao chất lượng đội ngũ bằng việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, ngành GD và ĐT đã dần khắc phục được những bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo.Tuy nhiên, theo thống kê của các huyện, thành phố, số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì toàn tỉnh còn thiếu 1.674 người nhưng chưa có chỉ tiêu biên chế. Số lượng giáo viên cấp tiểu học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên, số giáo viên tiếng Anh theo định mức quy định để dạy chương trình mới còn thiếu nhiều. Số lượng giáo viên cấp THCS theo định mức quy định thừa nhưng mất cân đối chủng loại: thừa giáo viên Toán, Văn; thiếu giáo viên Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học. Một số huyện thiếu nhân viên, CBQL, một số huyện lại thừa. Nguyên nhân là do có sự phân cấp trong quản lý nên việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phụ thuộc vào UBND các huyện, thành phố; số học sinh và số lớp của các trường tiểu học, THCS tăng trong những năm qua, nhưng chỉ tiêu biên chế giảm do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021...

Luật Giáo dục ngày 1-7-2019 đã chính thức có hiệu lực. Điểm mới đáng chú ý của Luật Giáo dục này là quy định cụ thể nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học. Luật cũng quy định Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo. Các nhà giáo được cử đi đào tạo bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Để Luật Giáo dục nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ngành GD và ĐT cần phối hợp các địa phương rà soát, bố trí, sắp xếp, chọn cử giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn bảo đảm đúng độ tuổi, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy. Đội ngũ giáo viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; được tạo điều kiện tốt về công ăn việc làm, thu nhập để phát triển và cống hiến, góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com