Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, đến tháng 7-2020, 100% cơ sở giáo dục tiểu học trong tỉnh phải chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết để năm học 2020-2021, khối lớp 1 sẽ chính thức học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Để chuẩn bị cho việc thay đổi này, thời gian qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
Cô và trò Trường Tiểu học Trực Nội (Trực Ninh) trong một giờ học. |
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện chương trình GDPT mới, Sở GD và ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.452 lượt cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán và 6.773 giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh. Trong đó, Sở đã chọn cử 408 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý ở các cấp tiểu học, THCS, THPT đi bồi dưỡng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1; cử 80 cán bộ quản lý cốt cán ở 39 trường tiểu học, 33 trường THCS và 8 trường THPT đi bồi dưỡng tại Học viện Quản lý giáo dục về chương trình GDPT mới. Riêng đối với cấp tiểu học, do năm học 2020-2021 bắt đầu triển khai dạy chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 1, vì vậy Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có. Tính đến tháng 4-2020, toàn tỉnh có 6.773 giáo viên tiểu học. Trong đó, đội ngũ giáo viên cơ bản (giáo viên văn hóa) là 4.837 người, giáo viên âm nhạc có 347 người, giáo viên mỹ thuật có 326 người, giáo dục thể chất có 421, ngoại ngữ có 509 người, tin học có 333 người. Hiện tại, số giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 99,5%. Theo tiêu chuẩn mới của Luật Giáo dục, giáo viên cấp tiểu học có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của tỉnh là 3.373, đạt tỷ lệ 49,8%. Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng giáo viên tại các đơn vị đủ để triển khai dạy 32 tiết/tuần đối với khối lớp 1.
Với đặc thù toàn tỉnh có 100% các trường tiểu học dạy hai buổi/ngày. Ngoài học các môn học bắt buộc, học sinh còn được học các môn tự chọn và tham gia các câu lạc bộ yêu thích cũng như các hoạt động trải nghiệm sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường theo các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, xây dựng và nâng cấp các phòng học, các phòng chức năng, huy động các nguồn lực bổ sung trang thiết bị đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình. Hiện tại, ở cấp tiểu học có 4.844 phòng/4.844 lớp, đạt 1 phòng/1 lớp; cấp THCS có 2.969 phòng/2.969 lớp đạt 1 phòng/1 lớp; cấp THPT có 1.413 phòng học/1.354 lớp, đạt 1,04 phòng/1 lớp. Riêng cấp trung học đã có đủ số lượng các phòng chức năng, thí nghiệm, thư viện phục vụ cho dạy học. Đối với cấp tiểu học, hiện tại số lượng phòng học kiên cố có 4.696 phòng đạt 97%, số phòng học cấp 4 có 148 phòng chiếm 3%, không có phòng học tạm, phòng mượn. 100% các trường có đủ cơ sở vật chất, bàn ghế, bảng từ chống lóa đảm bảo tiêu chuẩn. Số phòng học chức năng có 3.227 phòng, trong đó có 270 thư viện (62 điểm trường có thư viện đạt thư viện tiên tiến, đạt tỷ lệ 21%); 212 phòng âm nhạc, 191 phòng mỹ thuật, 147 phòng ngoại ngữ, 281 phòng tin học, 43 nhà đa năng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh, một số trường đã triển khai quy hoạch và từng bước xây dựng nhà đa năng, bể bơi, xây mới và cải tạo nhà vệ sinh đảm bảo đạt yêu cầu vệ sinh môi trường. Hệ thống tủ lớp, đèn chiếu sáng, quạt mát, diện tích phòng học đáp ứng yêu cầu quy định. 100% các trường có kết nối mạng internet; có bộ thiết bị tối thiểu đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tính đến nay, các trường có 7.086 máy tính, 903 máy chiếu, 98 máy photocopy, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động giáo dục ngày càng được tăng cường; phong trào tự làm đồ dùng dạy học được các trường tích cực hưởng ứng. Tính riêng năm học 2018-2019, đã có hơn 4.000 sản phẩm đồ dùng dạy học được giáo viên, học sinh tự làm và trưng bày tại các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dạy học. Các thiết bị giáo dục hiện có cơ bản đáp ứng được chương trình học hiện tại, đối với chương trình GDPT mới, Sở GD và ĐT đã tổng hợp nhu cầu và có tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 theo Thông tư số 05/2019/TT-BGD ĐT của Bộ GD và ĐT, đối với thiết bị dạy học tối thiểu của các lớp còn lại, Sở sẽ kịp thời tổng hợp nhu cầu và tham mưu cho UBND tỉnh khi có các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo lộ trình, chương trình đổi mới GDPT được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Từ năm học 2020-2021 thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm 2023-2024 thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024-2025 thực hiện đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Với lộ trình thực hiện cụ thể, hướng đi rõ ràng và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ được ngành GD và ĐT thực hiện với tâm thế tốt nhất, đảm bảo sự đồng bộ, thiết thực và hiệu quả./.
Bài và ảnh: Hồng Minh