Từ ngày 4-5, hầu hết học sinh ở các cấp học từ mầm non đến bậc THPT trên cả nước đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ dài “kỷ lục” do dịch COVID-19. Ai cũng hiểu để có được “ngày hôm nay”, chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều, cả nhân lực, vật lực, thậm chí cả sự hy sinh thầm lặng của nhiều người. Vì thế mỗi cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng đều ý thức được việc phải phòng tránh, kiểm soát để dịch không quay lại và lây lan khi mọi người trở lại nếp sinh hoạt bình thường.
Khi học sinh đi học trở lại, các thầy cô là những người vất vả nhất vì vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn là dạy học còn phải lo đảm bảo an toàn cho học sinh bởi trường học là môi trường khá nguy hiểm và lây lan mạnh nếu xảy ra dịch bệnh. Vì thế những yêu cầu về phòng chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GD và ĐT đối với khu vực trường học, lớp học là rất cần thiết. Tuy nhiên có một số quy định khi áp dụng vào thực tế cho thấy sự bất cập. Theo yêu cầu, học sinh phải ngồi giãn cách 1,5m trong lớp học, không tụ tập khi ra chơi cũng là cần thiết trong việc kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh. Với thời tiết nóng nực như hiện nay, các con ngồi yên một chỗ trong suốt buổi học (kể cả giờ ra chơi), đeo khẩu trang cả ngày, trong khi lớp học có điều hòa nhưng không được sử dụng (khuyến cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh dễ lây lan hơn trong môi trường bật điều hòa) liệu có phù hợp? Một số địa phương còn quy định không tổ chức ăn bán trú cho học sinh để hạn chế thời gian tiếp xúc của các em nhưng với thời gian giãn cách 2 tiếng buổi trưa có nghĩa lý gì khi trẻ đã tiếp xúc với nhau cả ngày ở trường, chưa kể trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, việc đưa đón con đi về ngày 4 lần khiến các bậc phụ huynh vất vả và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhất là trẻ mầm non. Ở một số nơi phụ huynh hoặc nhà trường còn để học sinh đeo cả mặt nạ chống giọt bắn để phòng, chống dịch. Trong thời tiết khắc nghiệt, nhìn các em mồ hôi nhễ nhại, liệu việc tiếp thu bài có hiệu quả? Những tấm chắn đó đa số làm bằng nhựa, chất lượng không được kiểm soát, trong khi đa phần học sinh bị cận thị, đeo kính không đúng số còn ảnh hưởng đến thị lực thì việc đeo những tấm chắn như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đôi mắt của học sinh (?).
Tháo gỡ những bất cập trong những ngày đầu trẻ quay trở lại trường học, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 6-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến giờ phút này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và cơ bản đẩy lui dịch bệnh, quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường mới. Trong đó đối với học sinh, trong lớp học các em đã chấp hành việc giãn cách, đeo khẩu trang đầy đủ, trước khi vào lớp cũng được đo thân nhiệt, vì vậy nên “gỡ bỏ” bớt quy định về “tắt điều hòa” trong thời tiết nóng nực như thế này. Theo các chuyên gia y tế, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, không được bật điều hòa không những không cần thiết mà còn hại cho sức khỏe. Vì vậy học sinh trong lớp học không bắt buộc phải đeo khẩu trang, phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay và giờ ra chơi thì đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác để tránh xác suất lây nhiễm. Các phòng học có thể bật điều hòa nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí.
Theo dự báo thời tiết, trong những ngày tới nắng nóng còn kéo dài. Để vừa đảm bảo được phòng, chống dịch, vừa để việc tiếp thu kiến thức của các em có hiệu quả, nên bỏ bớt các quy định để các em dễ chịu hơn trong thời tiết nóng nực. Bên cạnh đó do thời gian nghỉ học quá dài nên học sinh sẽ không tránh khỏi sự chểnh mảng, khó tập trung, vì vậy bản thân các thầy cô chính là người trực tiếp giảm bớt sức ì đó bằng việc giảng dạy nghiêm túc. Khi thầy cô nghiêm túc sẽ tác động đến suy nghĩ học sinh rằng việc nghỉ đã kết thúc và chúng ta phải tiếp tục học tập. Cùng với đó, trong mỗi bài giảng, giáo viên cũng ôn lại những kiến thức mà học sinh đã được học trước đó để các em bắt nhịp, theo kịp nội dung bài học mới. Giáo viên chủ nhiệm là người quan tâm đến công tác ổn định nền nếp, chuyên cần và cũng phải sinh hoạt với học sinh để có thái độ học tập phù hợp, có biện pháp để các em xốc lại tinh thần, bắt nhịp với guồng quay học tập để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của cả năm học./.
Phương Mai