Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

06:12, 11/12/2019

Nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục mầm non mang tính “mở”, kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động và trải nghiệm…, những năm qua các trường mầm non trong tỉnh đã tích cực thực hiện chuyên đề giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Các em học sinh Trường Mầm non Yên Ninh (Ý Yên) tìm hiểu, trải nghiệm ở góc học tập trong lớp.
Các em học sinh Trường Mầm non Yên Ninh (Ý Yên) tìm hiểu, trải nghiệm ở góc học tập trong lớp.

Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực) đã tập trung xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học để trẻ được trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường nhằm phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ cho trẻ. Ở góc học kỹ năng sống, giáo viên xây dựng các mô hình về hoạt động vệ sinh cá nhân cho trẻ như: chải đầu, vệ sinh răng miệng, trang điểm; trang trí góc với chủ đề về mùa xuân, về tết cổ truyền…; góc học về nghề nghiệp có mô phỏng các nghề các em dễ nhận biết như: Nghề xây dựng, trang trại trồng cây, vườn rau, cây cảnh nhằm phát triển các năng lực hoạt động trí tuệ như: quan sát, phân tích, phân loại, so sánh, suy luận, phán đoán, đếm trên từng đối tượng, khái quát... Qua các góc học tập này, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập. Ngoài ra, ở các khu vực vui chơi ngoài trời nhà trường trang bị nhiều đồ chơi hấp dẫn bảo đảm an toàn, đẹp, có sức lôi cuốn trẻ. Ở đây trẻ được vui chơi thỏa thích trên thảm cỏ, sân bóng mini, được trải nghiệm nhiều hoạt động vận động với các loại đồ dùng vận động phong phú và đa dạng theo từng độ tuổi, các trò chơi dân gian nhằm phát triển cơ tay, cơ chân và sự nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh mẽ, khéo léo cho trẻ. Ðể tạo tâm lý thoải mái, an toàn và giúp trẻ bộc lộ hết khả năng của bản thân, Ban giám hiệu nhà trường luôn nêu cao vai trò của giáo viên về hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ phải luôn mẫu mực để trẻ noi theo. Nhà trường cũng tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào hoạt động của trường, lớp như: Hỗ trợ giáo viên kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn rau, tham gia vào các hội thi của bé ở trường, ủng hộ cây xanh, truyện tranh, nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi, tạo môi trường cho trẻ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ðánh giá nét nổi bật của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, cô Vũ Thị Minh Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây, trong môi trường giáo dục truyền thống, giáo viên truyền tải thông tin, còn trẻ tiếp nhận một cách thụ động. Còn trong môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên chỉ là người định hướng cho trẻ chủ động trải nghiệm, khám phá, tự phục vụ bản thân mình”. Theo cô Lý, để làm được điều này, bên cạnh việc bồi dưỡng giáo viên, thay đổi nhận thức của phụ huynh, nhà trường phải sáng tạo trong việc tạo ra các “góc mở” trong và ngoài lớp học để trẻ học và chơi theo cách riêng của mình. Kế hoạch giáo dục cũng cần linh hoạt hơn để phù hợp với trẻ, khơi gợi sự hứng thú của các em.

Tại tỉnh ta, từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 đến các trường mầm non. Năm học 2017-2018 tổ chức thành công cuộc thi Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm thành công từ cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh và đã chọn được 30 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia dự thi cấp tỉnh, trong đó 30 video dự thi; nội dung thể hiện sự tương tác giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với gia đình và giáo viên. Các sản phẩm dự thi cấp tỉnh đều được đánh giá ở mức độ từ khá đến xuất sắc và đã có 3 sản phẩm dự thi cấp toàn quốc, được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tặng Bằng khen. Ðể đẩy mạnh các hoạt động chuyên đề, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó cấp huyện tổ chức 20 lớp tập huấn, hội thảo với 2.082 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham dự; cấp trường tổ chức 266 lớp với 7.794 lượt giáo viên tham dự. Gần đây nhất, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cho lãnh đạo phòng Giáo dục và Ðào tạo, chuyên viên phụ trách cấp học mầm non và đội ngũ giáo viên cốt cán trong tỉnh. Qua đó cán bộ quản lý, giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương để xây dựng kế hoạch giáo dục và thực hiện các phương pháp tích cực tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.

Ðến nay, các trường mầm non trong tỉnh đều đã triển khai tốt chuyên đề, xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Qua đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo, sau 3 năm thực hiện chuyên đề tại 100% trường mầm non trong tỉnh, chất lượng giáo dục trẻ đã được nâng lên rõ rệt. Các nhà trường đã có môi trường giáo dục đạt yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm. Trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, ngoại khóa. Nhân dân địa phương và phụ huynh tin tưởng vào chất lượng chăm sóc giáo dục tại các nhà trường, từ đó có sự ủng hộ, phối kết hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ… Ðã có nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được cải tiến, thay mới, nhiều phòng học, sân chơi được làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, thông thoáng, sắp xếp bố trí sáng tạo, phù hợp với diện tích của nhóm lớp, của trường. Trong năm học vừa qua, toàn ngành đã xây mới, cải tạo, sửa chữa 158 công trình vệ sinh, 37 bếp ăn, 14 điểm trường có công trình nước sạch mới. 99,6% điểm trường có sân chơi ngoài trời, 261/261 trường mầm non đảm bảo đủ số lượng phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch. UBND tỉnh đã cấp 378 bộ thiết bị tối thiểu và 33 bộ thiết bị ngoài trời phát triển vận động, trị giá trên 22 tỷ đồng cho các trường mầm non công lập. Bên cạnh đó, khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm, các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội cũng được đề cập như: Tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại, có sự đối xử công bằng trong giáo dục, tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ, có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm. Ðây cũng là cơ sở để các trường mầm non trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com