Nhân rộng mô hình "Thư viện xanh"

08:12, 05/12/2019

Khác với kiểu thư viện truyền thống, một thư viện xanh nằm giữa không gian thoáng mát là sự hấp dẫn đầu tiên, thu hút học sinh đến đọc sách, báo. Đó là mô hình “Thư viện xanh” ở Trường Trung học cơ sở Nam Cường (Nam Trực). Đây cũng là một trong những tiêu chí để Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đánh giá trường đảm bảo tiêu chí “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Mô hình Thư viện xanh được kỳ vọng khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, báo, giúp các em phát triển tư duy, giải trí lành mạnh, giảm căng thẳng sau những giờ học trên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Học sinh đọc sách tại Thư viện xanh Trường Trung học cơ sở Nam Cường.
Học sinh đọc sách tại Thư viện xanh Trường Trung học cơ sở Nam Cường.

Công trình “Thư viện xanh” của Trường Trung học cơ sở Nam Cường được khởi công xây dựng từ tháng 8-2019 và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) với tổng kinh phí 700 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm ngân sách kết hợp với huy động từ công tác xã hội hóa. Tổ hợp công trình Thư viện xanh của trường rộng gần 2.000m2, bao gồm khu kho sách và cho mượn sách, khu nhà đọc sách, vườn hoa, hồ nước, tranh tường vẽ các danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước…, tạo không gian thoáng mát, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Phía đối diện thư viện, nhà trường cho xây dựng “Vườn Địa lý” có gắn quả địa cầu giúp học sinh quan sát vị trí trên bản đồ của đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới. Bên cạnh đó là vườn cây ăn quả, cây bóng mát, cây cảnh phục vụ việc tìm hiểu về thiên nhiên, đa dạng sinh học, vừa tạo cảnh quan thân thiện xanh - sạch - đẹp cho sân trường. Tại Thư viện xanh, các tủ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn ở các vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho các em tìm đọc sách ở những vị trí khác nhau; khu ghế ngồi được thiết kế có mái che mưa, nắng. Các giá sách được phân loại theo các chủ đề khác nhau như: sách Văn học, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Tiếng Anh, Khoa học, Kỹ năng sống, Chuyện kể về Bác Hồ, Truyện ngắn Việt Nam, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Người tốt việc tốt, Thiên nhiên kì thú… Vào mỗi giờ ra chơi, ngay trên sân trường, các em không thích các trò chơi vận động có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ. Hết giờ ra chơi, các em lại tự giác đem sách xếp trả lại vị trí cũ. Để tránh nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện đều tiến hành luân chuyển sách, truyện để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều thể loại sách, truyện hơn. Có nhiều học sinh từ chỗ chưa ham đọc sách, nhưng từ khi có Thư viện xanh đã tự tìm đến sách nhiều hơn. Các em cũng chính là những người tự quản lý, bảo vệ tủ sách, có trách nhiệm giữ gìn sách. Đặc biệt hơn, ngoài không gian đọc thân thiện, Thư viện xanh còn hấp dẫn với hệ thống tranh tường mô phỏng các địa danh lịch sử, văn hóa của đất nước. Từ ngày có Thư viện xanh, số lượng học sinh của trường tham gia đọc sách ngày càng đông hơn, chất lượng đọc sách, báo được nâng lên rõ rệt. Em Nguyễn Trần Khánh Ly, học sinh lớp 9A cho biết: “Từ ngày có Thư viện xanh ở sân trường, giờ ra chơi em lại tranh thủ đọc sách tham khảo, báo các loại. Thư viện xanh này giúp chúng em nâng cao kiến thức, thoải mái trao đổi trong lúc đọc mà không bị gò bó như thư viện truyền thống”.

Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện và duy trì hiệu quả mô hình Thư viện xanh, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào chung tay bổ sung nguồn tư liệu sách, báo, tạp chí cho thư viện; chỉ đạo giáo viên phối hợp với hội cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình Thư viện xanh, kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, các cựu học sinh, những người con xa quê hương đóng góp sách, báo chung tay xây dựng thư viện nhà trường. Đến nay, thư viện đã có tổng số trên 2.000 đầu sách, báo, tạp chí được huy động từ nhiều nguồn. Chị Lương Gia Hoà, Việt kiều Mỹ là người con của quê hương đã tài trợ số tiền 20 triệu đồng để xây dựng tủ sách thư viện. Nhiều học sinh cũ của nhà trường sau khi về tham quan mô hình thư viện đã trao tặng sách cho nhà trường; tiêu biểu như các anh: Mai Văn Thái (công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo), anh Vũ Ngọc Bảo (công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định)… Nhà trường đã lên kế hoạch cử cán bộ phụ trách thư viện tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác thư viện, giúp quản lý và điều hành thư viện hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo. Theo đánh giá của các thầy, cô giáo trong trường và phụ huynh học sinh, Thư viện xanh của trường ngoài góp phần xây dựng thói quen tự đọc, tự học cho học sinh, còn rèn luyện tính tự quản, ngăn nắp qua việc tự chọn, bảo quản sách mượn, trả… Tăng cường đọc sách, báo, góp phần hình thành cho các em tình cảm đúng đắn về con người, đất nước, cuộc sống. Phát triển văn hoá đọc giúp các em có sự lựa chọn giải trí lành mạnh ngoài giờ học; là một biện pháp góp phần ngăn chặn, khắc phục một số vấn nạn học đường hiện nay như đánh nhau, nghiện game… qua đó giúp các em hình thành và phát triển nhân cách.

Mô hình Thư viện xanh ở Trường Trung học cơ sở Nam Cường là một bước tiến mới trong phương thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài lớp học phù hợp và hiệu quả. Mô hình Thư viện xanh đang được hình thành tại một số trường học trên địa bàn huyện Nam Trực như: Trường Tiểu học Nam Tiến; các Trường Trung học cơ sở Nam Hồng, Đồng Sơn, Điền Xá./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com