Nhiều năm nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo của toàn xã hội, khi thực phẩm bẩn không chỉ len lỏi trong từng bữa cơm của mỗi gia đình, mà còn tồn tại ở các cổng trường học. Vì lợi nhuận, nhiều người vẫn cố tình bày bán những loại đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.
Học sinh mua quà vặt gần cổng Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định). |
Dạo quanh một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nam Định vào giờ tan trường đều thấy các hàng bán rong với các loại bim bim, kem, nước ngọt, hoa quả dầm, xúc xích, chả rán… đủ màu sắc. Những “mặt hàng” này dành cho các em nhỏ nhưng đều không có nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu từ sự gia công chế biến của người bán, một số nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng, lượng khách hàng ở đây vẫn tăng đều đều theo từng ngày. Ở trước cổng Trường Tiểu học Chu Văn An vào một số thời điểm trong ngày, bất kể trời mưa hay nắng, chỉ cần một chiếc xe đạp, xe đẩy, chiếc bàn nhỏ cùng với đồ nghề là bếp than, bếp gas mini, chảo, dầu mỡ, đồ ăn..., những người bán hàng rong vô tư bán hàng trước khu vực gần cổng trường. Các loại đồ ăn, thức uống được bày bán tương đối đa dạng như: xôi, bánh mì, bánh bao, mì tôm trộn, chả thịt nướng, chả mực, kem, nước uống, trái cây, bánh kẹo... Các đồ ăn này đều có đặc điểm chung là màu sắc sặc sỡ, thêm vào đó, dụng cụ chế biến sơ sài, cộng với không khí bụi bặm do xe cộ qua lại nên tiềm ẩn nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cách cổng trường khoảng 100m, 3 chiếc xe đạp chở các loại mặt hàng thực phẩm, thức uống pha sẵn, trong đó chiếc xe chở xúc xích, các loại chả viên đủ màu sắc thu hút nhiều khách hàng “nhí”. Điều đáng nói, những khay đựng dầu rán đã ngả sang màu đen bên trong là những xiên chả chiên với mùi khét và chai tương ớt, tương cà chỉ nhìn qua cũng biết không đảm bảo vệ sinh. Khi được hỏi về vấn đề vệ sinh thực phẩm, em Trần Ngọc Hoa vui vẻ cho biết : “Chúng em ăn mấy món này từ mấy năm nay mà có làm sao đâu(?)”. Còn em Nguyễn Đức Hiếu cho biết: “Món chả mực này có giá 2.000 đồng, xúc xích 3.000 đồng, là những món mà em thích nhất mỗi khi đi học về. Mẹ em luôn dặn không được ăn quà vặt trước cổng trường nhưng em thấy các bạn ăn nên thỉnh thoảng cũng dành tiền để mua vì mùi vị của các món ăn này rất hấp dẫn”.
Không chỉ trên địa bàn thành phố, tại nhiều cổng trường ở các xã, thị trấn trong tỉnh, các món quà vặt được bày bán rất nhiều với đầy đủ các màu sắc trên những bao bì bắt mắt. Những món khoái khẩu được các cô, cậu học trò ưa thích phải kể đến như: thịt bò khô, que cay, gà xé... hay các thức uống được pha sẵn, đóng chai, hộp nhựa màu sắc xanh đỏ và tên gọi lạ tai, với giá tiền chỉ từ 2.000 đến 10 nghìn đồng/chai. Thật khó phân biệt được thực phẩm nào là thật, loại nào là giả và có đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc xuất xứ có rõ ràng hay không(?). Bên cạnh đó, những loại thức ăn chín như: thịt viên chiên, xúc xích rán được chiên rán bằng những chảo dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần và được đặt ngay bên lề đường, mặc cho bụi bặm, khói xe, ruồi nhặng xung quanh mà không hề được che đậy. Thế nhưng, những loại thực phẩm này vẫn thu hút đối với học sinh, bởi chúng có giá thành rẻ và hương vị hấp dẫn. Việc sử dụng các loại thực phẩm không an toàn như các món nướng, rán được chiên đi chiên lại qua dầu mỡ không đảm bảo, hay việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây nhiều bệnh như tim mạch, béo phì, dạ dày hoặc ngộ độc cấp tính.
Để hạn chế học sinh ăn quà vặt, bảo vệ sức khỏe, hầu hết các nhà trường đều lồng ghép tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh. Một số trường đã gắn biển “cấm bán hàng” trước cổng trường, đóng kín cổng, không cho học sinh ra ngoài vào giờ ra chơi. Đồng thời, các trường thường xuyên phối hợp với đội trật tự địa phương để dẹp bỏ tình trạng bán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát này chỉ thực hiện được trong thời gian học, còn đầu giờ học hay giờ ra về khó có thể kiểm soát. Đối với hàng rong thường di chuyển bằng xe đạp, xe máy, xe đẩy nên khi đội trật tự xã, phường xuất hiện, họ báo hiệu cho nhau “biến mất” một cách nhanh chóng. Khi không có mặt của lực lượng chức năng thì mọi việc lại đâu vào đấy.
Để giải quyết triệt để các quán hàng rong “bủa vây” cổng trường, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương “vào cuộc” quyết liệt hơn nữa. Ngoài ra, phụ huynh phải nhắc nhở con em tự bảo vệ sức khỏe của chính mình thông qua việc tẩy chay các loại thực phẩm không an toàn trước cổng trường học./.
Bài và ảnh: Hồng Minh