Là 1 trong 3 trường học trên địa bàn huyện Trực Ninh được hỗ trợ từ Dự án “Cảm ơn thư viện nhỏ” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, tháng 7-2019, Trường Trung học cơ sở Trực Hưng (Trực Ninh) tiến hành sửa chữa, cải tạo thư viện gồm: phòng sách và phòng đọc. Tháng 9-2019 thư viện được hoàn thành khá khang trang, hiện đại, bổ sung 2.000 đầu sách, báo, tạp chí, 3 máy tính bàn để học sinh tra cứu thông tin, 1 máy chiếu do phía Hàn Quốc tài trợ. Cách bố trí, bày biện khá đẹp mắt và thân thiện, giúp học sinh cảm thấy hứng thú và thoải mái khi đến thư viện, đồng thời giúp các thầy, cô giáo được tiếp cận với nhiều bản sách mới, áp dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm tư liệu và giảng dạy. Thầy giáo Hà Văn Ðĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi được hỗ trợ từ Dự án “Cảm ơn thư viện nhỏ”, nhà trường có khoảng 5.000 đầu sách các loại, gồm sách giáo khoa; sách địa lý, lịch sử; ngoại ngữ; kỹ năng sống, truyện và rất nhiều sách khoa học khác, đáp ứng đủ nhu cầu tìm kiếm, học tập của giáo viên và học sinh trong trường. Trong số 5.000 đầu sách, có 2.000 đầu sách do Hàn Quốc tài trợ. Ðể bố trí các tiết học hợp lý nhưng vẫn đảm bảo để học sinh có thời gian đọc sách trên thư viện, nhà trường quy định mỗi tuần, mỗi lớp sẽ có 1 tiết đọc. Nhà trường cũng chỉ đạo cán bộ thư viện tận dụng máy chiếu để định hướng hỗ trợ học sinh nên đọc gì, học gì, đặc biệt là phục vụ việc học tập, nâng cao kiến thức. Ví dụ như trình chiếu các nội dung: Kiến thức nâng cao môn Hoá lớp 9, chương trình tham quan trải nghiệm lịch sử truyền thống của Nam Ðịnh… Mỗi ngày thư viện nhà trường có hàng trăm lượt học sinh đến tìm kiếm thông tin và mượn sách phục vụ cho việc học tập.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Trực Hưng (Trực Ninh) đọc sách tại thư viện nhà trường. |
Triển khai mô hình “Cảm ơn thư viện nhỏ”, giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Trực Nội (Trực Ninh) rất hào hứng. Tham gia dự án, thư viện nhà trường được Hàn Quốc tài trợ 2.000 đầu sách và hệ thống máy tính, máy chiếu, tủ sách, cùng một số trang thiết bị thuận tiện cho việc đọc sách của thầy cô giáo và học sinh tại thư viện. Nhà trường bố trí cho học sinh đọc sách sau tiết chào cờ hoặc tiết bình tuần sáng thứ 7 và những buổi trường không có lịch làm việc. Mặc dù vậy, tranh thủ giờ ra chơi, tiết thể dục trời mưa hoặc ngoài giờ lên lớp, nhiều học sinh lại tranh thủ đến thư viện đọc sách. Em Ðặng Thu Thuỷ, học sinh lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Trực Nội cho biết: “So với thư viện trước đây, thì thư viện hiện nay khá hấp dẫn, hiện đại. Em thường lên thư viện vào thứ 3, thứ 7. Ðặc biệt, trước đây chúng em chỉ được sử dụng máy tính khi học bộ môn tin học thì nay tại thư viện, với hệ thống máy tính, máy chiếu, chúng em được sử dụng hệ thống máy chiếu máy tính kết nối mạng internet tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học tập”. Thầy Trần Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ việc đọc và học, nhà trường đang phấn đấu đưa thư viện trở thành một phòng học đa năng, có thể phục vụ học sinh ở tất cả các môn học”.
Ðể chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, ngay từ đầu tháng 8-2019, được sự hỗ trợ và phối hợp của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã thực hiện tu sửa, xây dựng 3 thư viện tại 3 Trường Trung học cơ sở: Ðào Sư Tích, Trực Hưng, Trực Nội của huyện Trực Ninh. Ðây là các thư viện thông minh thuộc Dự án mang tên “Cảm ơn thư viện nhỏ” (Thank You Small Library) thông qua nguồn vốn ODA trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Thư viện được xây dựng trên tinh thần truyền tải những kinh nghiệm về phát triển văn hóa và giáo dục của Hàn Quốc, đồng thời khuyến khích phát triển văn hoá đọc cho học sinh. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các thư viện này đang phát huy hiệu quả tích cực, nhận được sự đồng thuận từ đông đảo các thầy cô giáo và các em học sinh trong các nhà trường, đặc biệt đã góp phần tạo lập thói quen nhằm phát triển năng lực tự đọc, tự học cho học sinh. Nếu như mô hình thư viện truyền thống gây cảm giác căng thẳng thiếu tính hấp dẫn cho học sinh thì khi bước vào mô hình thư viện này, học sinh có được cảm giác thoải mái ban đầu với các gian phòng tràn ngập ánh sáng. Trong phòng đọc của thư viện, không chỉ có giá đựng sách, còn có sofa bệt, bàn tròn để học sinh trao đổi, thảo luận, hoặc các em có thể đọc sách ở nhiều tư thế các nhau, có thể ngồi trên ghế, ngồi dưới thảm, hoặc có thể nửa nằm nửa ngồi trên ghế nếu mỏi lưng, vừa đọc vừa thư giãn. Học sinh cũng có thể đọc độc lập hoặc đọc sách theo nhóm. Hầu hết các thầy, cô giáo trong các nhà trường đang thực hiện mô hình đều đánh giá tích cực bởi đã thu hút được đông đảo học sinh đến thư viện đọc sách, rèn luyện thói quen, kỹ năng đọc sách, giảm tập trung vào các hình thức giải trí không có lợi khác.
Mục tiêu của quá trình đổi mới của ngành Giáo dục và Ðào tạo hiện nay là phát triển năng lực, phẩm chất của người học, trong đó có việc phát triển năng lực tự học và học tập suốt đời. Với mô hình các thư viện mới đang được hình thành, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống thư viện trường học theo hướng “mở” như: Mô hình thư viện Room to Read tại 25 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; mô hình Thư viện xanh tại một số trường trên địa bàn huyện Nam Trực; mô hình “Cảm ơn thư viện nhỏ” ở các Trường Trung học cơ sở: Ðào Sư Tích, Trực Hưng, Trực Nội (Trực Ninh)… đang giúp hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hoá đọc cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, việc phát triển các năng lực tự học và học tập suốt đời cho học sinh và trong cộng đồng được đẩy mạnh.
Hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều trường học các cấp trên địa bàn tỉnh xây dựng được các mô hình tổ chức thư viện hiện đại, thông minh, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc sách, đáp ứng được yêu cầu dạy và học hiện nay./.
Bài và ảnh: Minh Thuận