Trực Ninh rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục

08:10, 30/10/2019

Năm học 2018-2019, một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của huyện và ngành Giáo dục và Đào tạo Trực Ninh là “Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục”. Huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các đơn vị giáo dục trên địa bàn tiếp tục rà soát cụ thể số trường, lớp, học sinh để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo sát với thực tế của địa phương, đơn vị, đảm bảo chất lượng dạy và học; thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, đảm bảo bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp học theo các cấp học, bậc học.

Để hoàn thành nhiệm vụ, từ huyện tới các xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án hợp nhất trường công lập cùng cấp học trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện”. Ban Chỉ đạo huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Ban Chỉ đạo xã, thị trấn do đồng chí Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban; trong đó xác định rõ nhiệm vụ của địa phương và của hiệu trưởng từng trường. Đề án được thông qua HĐND cùng cấp. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn thực hiện bằng văn bản đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu quả trong việc xác định khu trung tâm, chọn hiệu trưởng, các chức danh của các tổ chức…; triển khai đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch đến toàn thể giáo viên các trường học, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện và ngành. Việc kiểm tra, rà soát được xác định là khó nhất, phức tạp nhất song là cơ bản nhất để thực hiện việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 6-6-2018 của UBND tỉnh; cũng là căn cứ để tham mưu tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên, thực hiện bồi dưỡng đội ngũ trước mắt cũng như lâu dài, gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.

Cô và trò Trường Trung học cơ sở Trực Thuận trong một giờ học.
Cô và trò Trường Trung học cơ sở Trực Thuận trong một giờ học.

Kết quả rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, huyện đã giảm được đầu mối quản lý; các xã, thị trấn quản lý các trường học thuận lợi hơn (trước đây trên địa bàn mỗi xã, thị trấn có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở, nay mỗi bậc học có 1 trường); toàn huyện giảm 18 trường, tổng số còn 64 trường; tăng 1 trường mầm non tư thục và 6 nhóm trẻ tư thục; xếp hạng lại 5 trường học (do số lớp giảm); điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư của các trường học hợp nhất; thực hiện luân chuyển hiệu trưởng đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ tại các trường; khắc phục cơ bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Huyện đã xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo số lượng, chất lượng; gắn với việc tinh giản biên chế. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã giảm biên chế được gần 10% so với năm 2015 (biên chế giao năm 2019 là 2.237/2.353 so với năm 2015; trong 4 năm có 246 người nghỉ hưu, trong đó có 57 cán bộ quản lý, giáo viên diện tinh giản biên chế); đã chọn được đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cho năm học 2020-2021 và bồi dưỡng đội ngũ dạy lớp 1 ở những năm sau đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc rà soát, sắp xếp đã tạo chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, phong cách làm việc của đa số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học, nhất là vai trò của hiệu trưởng và các tổ chức trong trường học.

Như vậy, mặc dù là nhiệm vụ phức tạp và nhạy cảm vì liên quan đến con người, song bằng các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, đến thời điểm hiện tại, huyện Trực Ninh và ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn với kết quả khá toàn diện. Quy mô mạng lưới trường, lớp được tổ chức lại theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Môi trường giáo dục chuyển biến rõ nét theo hướng thân thiện xanh - sạch - đẹp - an toàn; chất lượng giáo dục toàn diện đạt kết quả cao. Công tác huy động các nguồn lực, nhất là việc vận động tài trợ để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển sự nghiệp giáo dục được quan tâm. Chất lượng các hoạt động giáo dục được nâng lên rõ rệt, nhất là chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh có 100 học sinh đoạt giải, tăng 4 giải so với năm học trước, toàn đoàn đoạt giải Nhất, xếp thứ 1/10 huyện, thành phố; 16/26 trường trung học cơ sở có học sinh tham dự và đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Khối trung học phổ thông có 73 học sinh đoạt giải, trong đó 17 giải nhì, 31 giải ba, 25 giải khuyến khích. Tham dự hội thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, huyện có 16 học sinh đoạt giải, xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. Tham dự hội thi giải Toán bằng tiếng Anh cấp tỉnh có 11 học sinh dự thi đoạt giải, xếp thứ 1/10 huyện, thành phố. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở toàn huyện đạt tỷ lệ 99,95%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ 99,71%; có 28 học sinh đỗ vào lớp 10 Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; tỷ lệ thí sinh thi vào lớp 10 trung học phổ thông đạt điểm sàn 14 điểm trở lên cao nhất tỉnh. Những thành tích đạt được trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở huyện Trực Ninh đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ như việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư và việc duy trì trường chuẩn quốc gia. Các trường đã đạt chuẩn sau khi sáp nhập thì không đảm bảo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia cần tiếp tục đầu tư để đạt chuẩn…

Để từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Trực Ninh đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn xã, thị trấn, đảm bảo diện tích đất trường học theo quy định; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; gắn với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 6-6-2018 của UBND tỉnh. Phấn đấu tăng 10 trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được cấp phép hoạt động tại các xã, thị trấn và khu công nghiệp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Thực hiện rà soát, quy hoạch, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gắn với việc tinh giản biên chế hợp lý đảm bảo quy định; thực hiện kế hoạch tăng cường, điều động, biệt phái giáo viên trường chất lượng cao về công tác, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên các trường đại trà nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về “Phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao”; Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com