Từ nhiều năm qua, vấn đề vệ sinh cá nhân cho trẻ em là một trong những nội dung quan trọng mà ngành Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường mầm non nhằm góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đồng thời hình thành cho trẻ thói quen tốt trong vệ sinh cá nhân, từ đó hình thành kỹ năng sống tích cực ngay từ nhỏ.
Trong giờ ra chơi của lớp mẫu giáo 4 tuổi Trường Mầm non Xuân Kiên (Xuân Trường), các cháu thỏa sức vui đùa trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, chỉ sau hiệu lệnh của cô giáo báo hiệu giờ ra chơi đã kết thúc, các cháu đều ngoan ngoãn xếp hàng để rửa tay trước khi vào lớp với những thao tác thuần thục. Để tạo được thói quen tưởng chừng như rất đơn giản này cho các cháu là sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ giáo viên. Hàng năm, nhà trường phân công giáo viên tham dự các lớp tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân và môi trường; triển khai xây dựng và tu sửa công trình vệ sinh cho trẻ, đồng thời cung cấp: xà phòng, khăn mặt, nước lau nhà, xây dựng máng nước rửa tay cho các em, thực hiện vệ sinh môi trường trong trường học. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh về tác dụng của việc vệ sinh đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Các cháu Trường Mầm non tư thục Sen Việt, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) trong giờ tập đánh răng. |
Hiện nay, ở hầu hết các trường mầm non trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ nhằm hình thành cho các em những kỹ năng đơn giản nhất như thói quen vệ sinh, hành vi văn minh và kỹ năng sống cơ bản; qua đó giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh về trí tuệ, thể chất. Các trường đều yêu cầu giáo viên xây dựng giáo án với các chủ đề: Bé với phương tiện giao thông, nước và hiện tượng thiên nhiên, quê hương đất nước… Mỗi chủ đề bao gồm phần giới thiệu cho bé biết khái niệm thông qua tranh ảnh, hoạt động chơi trong lớp, ngoài trời để cụ thể hóa khái niệm và đóng vai để bé biết đâu là hành vi đúng, hành vi chưa đúng. Đối với các cháu lớp mẫu giáo bé, các cô trò chuyện về sự cần thiết của việc rửa tay, rửa mặt, thời điểm cần rửa tay, rửa mặt. Trẻ lớn hơn thì dạy cách giữ vệ sinh cảnh quan trong lớp, sân trường hoặc công việc ở nhà… Bên cạnh đó thông qua dạy những bài hát và những câu chuyện, kể chuyện theo tranh đã cung cấp kiến thức vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường cho trẻ. Việc giáo dục lặp đi lặp lại nên từ trẻ chưa có khái niệm gì về vệ sinh cá nhân, môi trường, dần dần đã biết để đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập vào nơi quy định, biết rửa tay trước khi ăn. Nhiều em biết tận dụng vật dụng phế thải trong gia đình để làm đồ chơi. Hầu hết trẻ bước đầu có ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản. Tùy theo độ tuổi, trẻ biết chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho bản thân; biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, biết cất đồ dùng và vật liệu gọn gàng, đúng chỗ. Trẻ biết chăm sóc cây cảnh, tưới cây góc thiên nhiên, có ý thức tốt bảo vệ môi trường của lớp, của trường luôn luôn sạch đẹp, biết vứt rác vào thùng, giữ gìn vệ sinh chung ở nơi công cộng, tiết kiệm thức ăn, ăn hết suất, không làm rơi vãi, ăn xong biết đánh răng, tiết kiệm nước. Đặc biệt phụ huynh ở vùng nông thôn đã quan tâm hơn đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ tại gia đình; trẻ cũng đã sớm có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân ở nhà cũng như khi ở trường.
Hàng năm, ngành học Giáo dục mầm non phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giáo dục cấp tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và phòng chống ngộ độc cho trẻ trong các trường mầm non. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố thường kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho giáo viên dinh dưỡng tại các trường mầm non. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành chức năng đề ra nhiều biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thức ăn trong các trường mầm non; đồng thời chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, bếp ít khói, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh, nước sạch đúng quy cách và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và người trực tiếp tiếp xúc với nguồn thực phẩm ở các nhà trường nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh. Các vấn đề liên quan đến việc giáo dục vệ sinh cá nhân và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ mầm non đều được các nhà trường quan tâm chú trọng. Trong năm học vừa qua, 100% cơ sở giáo dục mầm non tuyên truyền tới phụ huynh và cộng đồng về kiến thức nuôi dạy trẻ theo khoa học thông qua các góc tuyên truyền của các nhóm, lớp; phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới với trên 118 nghìn lượt phụ huynh được tuyên truyền kiến thức nuôi dạy trẻ. 100% cơ sở giáo dục mầm non đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo... Các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ hàng ngày, sau chủ đề, giai đoạn, cuối năm theo chương trình, đề ra biện pháp điều chỉnh những mục tiêu chưa đạt được.
Với mục tiêu tích cực đưa giáo dục vệ sinh cá nhân vào các trường mầm non, nhiều năm qua, ngành học giáo dục mầm non của tỉnh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cho trẻ và hạn chế tối đa được dịch bệnh lây lan trong học đường, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường mầm non./.
Bài và ảnh: Hồng Minh