Trong một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thành phố Nam Định), không khí rất sôi nổi, hào hứng. Khởi động giờ học, giáo viên người nước ngoài cho học sinh hát một bài bằng tiếng Anh, đồng thời thực hiện các động tác sôi động, sau đó bắt đầu vào bài học mới. Trong suốt giờ học, giáo viên liên tục thay đổi các động tác biểu đạt để rèn học sinh các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Toàn bộ bài giảng được truyền đạt bằng tiếng Anh, chỉ khi gặp những câu dài có từ mới, giáo viên trợ giảng mới dịch lại cho học sinh hiểu. Phải tư duy nhanh như vậy song học sinh trong lớp đều rất sôi nổi, xung phong được nói và làm bài tập. Cô Vũ Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài được triển khai thí điểm tại trường từ năm 2016 cùng với Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Thành phố Nam Định). Sự có mặt của giáo viên nước ngoài trong các giờ học tiếng Anh như một luồng gió mới đối với học sinh. Trong học tập và giao tiếp bằng tiếng Anh, học sinh tự tin hơn hẳn; đặc biệt là khi nói chuyện với người bản ngữ.
Còn trong một tiết học tiếng Anh với người nước ngoài tại Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Thành phố Nam Định), học sinh và giáo viên trò chuyện sôi nổi. Các em được nghe, nói nhiều hơn; qua đó vận dụng được vốn từ, kiến thức của mình. Em Phan Minh Thư, học sinh của trường cho biết: “Giáo viên người nước ngoài phát âm chuẩn, cách truyền đạt sinh động nên học sinh thấy hứng thú hơn với các tiết học. Chúng em có điều kiện rèn các kỹ năng nghe, nói nên tự tin, chủ động hơn”.
Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) là một trong số các trường học đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm dạy và học tiếng Anh với người nước ngoài tại trường từ năm 2015. Nhà trường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy. Hầu hết các em đều rất hứng thú khi được tiếp cận với ngoại ngữ do người bản ngữ giảng dạy. Qua từng năm học, chất lượng học ngoại ngữ của học sinh được nâng cao, các em say mê học tập và tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài. Hàng năm, nhà trường có khoảng 150 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi giải Toán bằng tiếng Anh qua mạng internet, thi IOE, TOEFL Primarry cấp huyện và trên 50 em đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh (Thành phố Nam Định) là một trong 4 trường trung học cơ sở đầu tiên trong tỉnh được chọn là đơn vị triển khai thí điểm việc đưa giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại trường. Qua 4 năm triển khai, sự có mặt của các giáo viên nước ngoài trong các giờ học tiếng Anh tại trường đã giúp học sinh có cơ hội thể hiện khả năng nghe, nói, khẳng định vị thế trường chuyên của tỉnh. Hiện, nhà trường đã đưa chương trình thử nghiệm vào giảng dạy trong thời khóa biểu chính khóa. Việc thực hiện chương trình đã giúp học sinh tự tin nói chuyện với người bản ngữ và giúp giáo viên dạy tiếng Anh của trường học tập kỹ năng của giáo viên nước ngoài.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn năm 2015-2020”. Bước đầu triển khai Đề án, toàn tỉnh đã có 4 trường Trung học phổ thông là: chuyên Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Ngô Quyền; 4 trường Trung học cơ sở: Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên, Hàn Thuyên, Mỹ Hưng và 2 trường Tiểu học: Phạm Hồng Thái, Trần Quốc Toản thực hiện thí điểm chương trình này với số lượng trên 4.000 học sinh theo học. Từ năm học 2016-2017 đến nay, chương trình đã mở rộng tại hơn 60 trường trong tỉnh với hàng chục nghìn học sinh theo học. Dự kiến đến năm học 2019-2020 sẽ đưa giáo viên nước ngoài vào dạy tiếng Anh có thu học phí ở các trường có chất lượng khá, tốt. Hầu hết giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trong các trường đến từ các nước Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa,... có trình độ đại học trở lên và có chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh (CELTA, TESOL, TEFL). Việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trong tỉnh đã bước đầu tạo chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, đáp ứng mục tiêu của Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn năm 2015-2020” của tỉnh. Trong đó, đã tăng cường năng lực tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe - nói, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp; giúp giáo viên các nhà trường giao lưu, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, quá trình triển khai việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài gặp một số khó khăn như: mức đóng học phí cao so với điều kiện kinh tế của hầu hết gia đình học sinh (50 nghìn đồng/tiết/học sinh). Chất lượng giáo viên nước ngoài không đồng đều, một số người trình độ nghiệp vụ sư phạm còn yếu. Bên cạnh đó, sĩ số một lớp đông (từ 35-45 em) nên nhiều học sinh có học lực trung bình ít có cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghe, nói.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, thời gian tới tỉnh đẩy mạnh chương trình dạy và học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Tăng cường giảng dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Các trường phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ để lựa chọn giáo viên nước ngoài có năng lực tốt, đủ hồ sơ theo quy định; sau đó kiểm tra nội dung giảng dạy phù hợp từng đối tượng, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời./.
Minh Thuận