(Tiếp theo và hết)
II: Tinh giản bộ máy, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Mục tiêu của công tác đào tạo nghề nhằm phục vụ nhân lực cho xây dựng nông thôn mới, đồng thời phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa; gắn đào tạo với phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển mạng lưới 35 cơ sở dạy nghề; trong đó, có 7 trường cao đẳng (chiếm 20%), 12 trường trung cấp (chiếm 34,3%), 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (chiếm 45,7%); có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 88,6%), số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là 5 đơn vị (chiếm 11,4%). Các cơ sở được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên đủ về số lượng và đạt chuẩn về chuyên môn với cơ cấu phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng với phương châm cầm tay chỉ việc. Chuyển đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Cùng với thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các huyện, thành phố đều quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề như quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 54.219 lao động nông thôn. Trong đó 19.221 lao động học nghề nông nghiệp, 34.998 lao động học nghề phi nông nghiệp. Đa số các lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có 47.912 người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng/người.
Tuổi trẻ xã Hải Tây tích cực hưởng ứng phong trào “Thanh niên lập nghiệp”. |
Đến tháng 6-2019, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mốc hơn 8.210 doanh nghiệp và 706 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 62.387 tỷ đồng. Nhu cầu về lao động là rất lớn, nhất là lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn. Đến năm 2020, dự báo dân số tỉnh ta là 1.863.000 người, số lượng người tham gia lực lượng lao động là 1.191.575 người. Trong đó, lao động qua đào tạo 834.102 người chiếm tỷ lệ 70%, lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp là 595.787 người chiếm 50%. Giai đoạn 2018-2020 hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo mới và đào tạo lại khoảng 112.658 lao động. Thực tế, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay vẫn đang là vấn đề cấp bách nhưng tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Cụ thể: Công tác đổi mới hệ thống tổ chức còn chậm; quy hoạch mạng lưới các cơ sở chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp; chi tiêu ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập còn chưa hiệu quả, một số đơn vị nhiều năm không đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn chậm, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16-7-2018 của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp Cơ Điện Nam Định, Trường Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Truyền thống Nam Định, Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định thành Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nhân lực, có trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định. Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính; có cơ chế để người học tham gia đánh giá hoạt động đào tạo, giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường. Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động đào tạo về lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học. Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ, phấn đấu thành trường chất lượng cao. Tập trung phát triển các ngành nghề gồm: Cấp độ quốc tế (01 ngành nghề), Cấp độ Khu vực ASEAN (02 ngành nghề là Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp); Cấp độ quốc gia (17 ngành nghề: Xây dựng và hoàn thiện công trình thuỷ lợi, Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, May thời trang, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Điện tử dân dụng, Hàn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, Chăn nuôi - Thú y, Nuôi trồng thuỷ sản, Đúc dát đồng mỹ nghệ, Gia công thiết kế sản phẩm mộc, Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ lễ tân, Kỹ thuật chế biến món ăn). Giai đoạn 2019-2021, quy mô đào tạo: 5.525 người/năm. Trong đó: Nhóm ngành nghề nông nghiệp: 500 người/năm; nhóm ngành nghề công nghiệp: 4.375 người/năm; nhóm ngành nghề dịch vụ, du lịch: 650 người/năm. Giai đoạn 2021-2025, quy mô đào tạo: 7.000 người/năm. Trong đó, theo trình độ đào tạo: Trình độ cao đẳng 1.000 người/năm; trình độ trung cấp 3.000 người/năm; trình độ sơ cấp 3.000 người/năm. Về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, giai đoạn 2019-2021, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Từ năm 2021-2024, tiếp tục thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Đến 2025, tự chủ 50% chi thường xuyên; đến 2030, tự chủ 100% chi thường xuyên.
Đề án thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là "khâu đột phá" của tỉnh ta trong thực hiện Nghị quyết 19, góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh là đến năm 2021 sẽ tinh giản 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề; đào tạo một số nhóm ngành, nghề có xu hướng sử dụng nhiều nhân lực và mở thêm một số mã ngành, nghề mới có nhu cầu của thị trường lao động, trên cơ sở dự báo nhu cầu vị trí việc làm sau đào tạo; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề. Gắn giữa đào tạo nghề với việc làm, từng bước nâng cao tỷ lệ người có việc làm sau khi học nghề./.
Bài và ảnh: Việt Thắng