Những năm qua, cuộc vận động xã hội hóa giáo dục đã được các địa phương, trường học trong tỉnh đẩy mạnh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.
Nổi bật trong hoạt động xã hội hóa là phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp các thôn, làng, dòng họ, chùa chiền, xứ, họ đạo, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các cấp Hội Khuyến học từ tỉnh xuống cơ sở đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài hàng trăm tỷ đồng. Tính đến tháng 10-2018 quỹ khuyến học toàn tỉnh đã có số dư trên 156 tỷ đồng; năm 2018 tổ chức khen thưởng, cấp học bổng, tặng xe đạp, máy vi tính, xe lăn, xây nhà khuyến học, hỗ trợ học nghề cho học sinh với tổng số tiền 23 tỷ đồng… Bên cạnh các quỹ khuyến học, khuyến tài do các cấp hội quản lý, các địa phương cũng đã hình thành nhiều hình thức khuyến học thiết thực tại các dòng họ, tổ dân phố, làng, xóm, nhà chùa, xứ đạo, họ đạo, các nhóm hội cha mẹ học sinh, hội đồng hương nhằm giúp đỡ học sinh là con các gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam…
Trường Tiểu học Nam Bình (Nam Trực) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học 2017-2018. |
Hiện toàn tỉnh có 1/4 số xã, phường, thị trấn có số dư quỹ khuyến học từ 100 triệu đến trên 3 tỷ đồng, 54 dòng họ có quỹ khuyến học, khuyến tài từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng… để động viên, khen thưởng, cấp học bổng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Bên cạnh đó, sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường với gia đình và các đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên, hiệu quả đã tạo môi trường giáo dục thống nhất, lành mạnh cho học sinh và tăng cường cơ sở vật chất trường học. Từ công tác xã hội hóa giáo dục, cô và trò Trường Mầm non Hải Long (Hải Hậu) đã được giảng dạy và học tập trong ngôi trường kiên cố trị giá 450 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, đặc biệt, sự ủng hộ, đóng góp nhiệt tình cả sức người, sức của của nhân dân, khu A của trường tiếp tục được đầu tư xây dựng với kinh phí 2,8 tỷ đồng. Hội phụ huynh nhà trường vận động đóng góp 150 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho cô và trò. Đây là thành công trong công tác xã hội hóa giáo dục của cán bộ địa phương và đội ngũ giáo viên, tạo đà cho nhà trường ngày một phát triển. Ở huyện Trực Ninh, những năm gần đây, từ đóng góp của các nhà hảo tâm, hàng chục phòng học cao tầng đã được xây dựng. Trường Tiểu học Trực Nội được một người con quê hương ủng hộ 7,5 tỷ đồng để xây ngôi trường hiện đại theo phương án “chìa khóa trao tay”, gồm 12 phòng học 3 tầng, 2 dãy nhà ngang thấp tầng cùng phòng hội trường, 2 phòng hiệu bộ, các phòng học chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập… trên diện tích 6.565m2. Bằng sự quan tâm đóng góp với số tiền 3,5 tỷ đồng của một nhóm học sinh cũ, Trường Tiểu học Trực Cường đã được cải tạo, xây dựng khang trang với nhiều trang thiết bị dạy và học hiện đại. Ngoài ra, các trường mầm non: Trực Hưng, Trực Thành, Trực Cát… cũng đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân với số tiền hàng tỷ đồng để chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang. Không chỉ nhận được sự quan tâm của các cá nhân có tấm lòng hảo tâm đối với “sự học” của con em quê hương, các địa phương trong huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng trường học cao tầng, đầu tư trang thiết bị giáo dục hiện đại ở tất cả các bậc học. Năm 2017, thầy và trò Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) được Ngân hàng Agribank Việt Nam và Agribank chi nhánh tỉnh cắt băng khánh thành ngôi trường mới với số tiền tài trợ 10 tỷ đồng. Trường được xây dựng gồm 1 khu nhà cao tầng 18 phòng học và các công trình phụ trợ. Các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ học tập cần thiết đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, xã Nghĩa Tân và Hội phụ huynh học sinh đã hỗ trợ kinh phí, đóng góp thêm gần 1 tỷ đồng để trồng cây bóng mát, trang trí khuôn viên nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ở huyện Nam Trực, nhiều tấm lòng hảo tâm như các ông: Nguyễn Đức Du, Trịnh Hữu Thư, Hoàng Văn Nghiên, Vũ Quang Nam và bà Phạm Thị An… đã ủng hộ hàng trăm m2 đất và nhiều tỷ đồng để xây các trường học... Bên cạnh đó, từ ngân sách của địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thông qua các chương trình, dự án đóng góp từ các đơn vị, các nhà hảo tâm và huy động nhân dân đóng góp, những ngôi trường kiên cố mọc lên ngày càng nhiều với đầy đủ trang thiết bị dạy và học hiện đại trong niềm phấn khởi, tự hào của đội ngũ giáo viên và học sinh. Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non với 3.882 lớp học, 293 trường tiểu học với 4.668 lớp, 237 trường trung học cơ sở với 2.920 lớp, 57 trường trung học phổ thông với 1.348 lớp, 15 trung tâm giáo dục thường xuyên với 124 lớp học. Nhờ tích cực chuẩn hóa cơ sở vật chất giáo dục, các nhà trường đã làm tốt công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, trong sạch, ổn định và có chất lượng. Kỷ cương nền nếp dạy và học không ngừng được củng cố. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các nhà trường triển khai sâu rộng ở tất cả các bộ môn và tiết học.
Để công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng đạt hiệu quả trong việc xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục cùng các địa phương tranh thủ từ các nguồn vốn, ngân sách và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục, để giáo viên và học sinh các nhà trường có được các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Hồng Minh