Nhân rộng mô hình trông giữ trẻ tại các khu công nghiệp

08:11, 13/11/2018

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành, thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh kéo theo một lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Tuy nhiên, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện chưa có trường mầm non trông giữ trẻ cho con công nhân.

Nhóm trẻ gia đình 20-10 trên đường Giải Phóng (TP Nam Định).
Nhóm trẻ gia đình 20-10 trên đường Giải Phóng (TP Nam Định).

Qua tìm hiểu cuộc sống của những công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là việc các gia đình công nhân lao động có con đang ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp phần lớn đến từ các vùng nông thôn nên nhu cầu về nhà ở, nhất là nơi gửi trẻ khi có con nhỏ rất khó khăn. Chị Nguyễn Thanh Thư, công nhân làm việc tại một Cty may ở Khu công nghiệp Hòa Xá (TP Nam Định) đang nuôi con nhỏ lo lắng vì sắp tới hết thời gian nghỉ sinh con rồi mà vẫn chưa biết gửi con ở đâu để đi làm trở lại. Cha mẹ ở xa nên không chăm cháu giúp được. Vì vậy, vợ chồng chị Thư đã nghĩ tới việc một trong hai người phải nghỉ làm để ở nhà chăm con. Chị Đinh Thị Trang, công nhân Cty TNHH Youngone cũng đang chật vật tìm nơi gửi con nhỏ mới 15 tháng tuổi. Chị Trang cho biết, lúc cháu còn nhỏ thì còn gửi ông bà chăm giúp, nhưng nay bé đã biết đi, lại hiếu động, ông bà thì già yếu nên không thể trông giữ cháu. Vợ chồng chị muốn gửi cháu vào nhóm mầm non tư thục gần Cty làm để tiện cho việc đưa đón nhưng còn phân vân vì từng nghe thông tin về các vụ bạo hành ở các cơ sở nuôi giữ trẻ. Nỗi lo của chị Thư và chị Trang cũng là nỗi lo chung của số đông công nhân nữ ở các khu, cụm công nghiệp. Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, hiện công đoàn các khu công nghiệp đang quản lý 51 công đoàn cơ sở trực thuộc. Trong đó có 2 đơn vị hành chính sự nghiệp, 23 doanh nghiệp trong nước, 26 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số 18.027 lao động nữ. Qua khảo sát của tổ chức công đoàn các khu, cụm công nghiệp cho thấy nhu cầu gửi trẻ (nhất là trẻ dưới 24 tháng tuổi) ở khu vực này rất lớn. Với mức lương còn thấp và thường xuyên phải tăng ca nên đa số công nhân thường chọn các nhóm gửi trẻ tư thục vì chi phí thấp, thời gian giữ trẻ lại linh hoạt; nếu không, chỉ còn cách gửi trẻ về gia đình nhờ người thân chăm sóc. Tuy số lượng trường mầm non tư thục, nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ngày càng tăng nhưng trường, nhóm lớp đủ tiêu chuẩn theo quy định rất ít, nhất là số nhóm lớp tư thục không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng chuyên môn. Nhằm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ về chỗ ở hoặc chi phí sinh hoạt, ăn uống... Tuy nhiên, việc xây dựng nhà trẻ, trường học dành cho con em công nhân cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải. Năm 2012, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập mô hình “Nhóm trẻ gia đình” tại xã Lộc Hòa (TP Nam Định) là địa bàn có các khu công nghiệp, đông công nhân có con trong độ tuổi gửi trẻ. Mô hình này do 5 hội viên phụ nữ có tâm huyết, nguyện vọng và điều kiện đề xuất, trong đó có một hội viên là giáo viên mầm non nghỉ hưu. Mặc dù có đầy đủ các điều kiện về giáo viên và có uy tín trong chăm sóc trẻ nhưng đến nay nhóm trẻ mới chỉ duy trì gần 50 trẻ là con của công nhân khu công nghiệp. Nhiều công nhân có con gửi ở đây cho biết, họ rất yên tâm khi con được chăm sóc chu đáo, hơn nữa nhóm trẻ rất linh động về thời gian nên dù có phải tăng ca cũng không phải lo lắng nhờ người đón con. Chi phí gửi con cũng phù hợp với mức thu nhập hiện tại. Mặc dù mô hình này đã đáp ứng đủ điều kiện cho công nhân nữ có con nhỏ nhưng hiện nay dù đã qua 5 năm hoạt động nhưng nhóm lớp vẫn chưa được nhân rộng.

 Nhu cầu gửi con tại nhà trẻ, trường mầm non trong các khu, cụm công nghiệp là nguyện vọng chính đáng, cấp thiết của người lao động, song hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có khu, cụm công nghiệp nào xây được trường mầm non. Tháng 3-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, với những cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục. Ngoài ra, tại Quyết định số 655, ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã giao nhiệm vụ cụ thể các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh thực hiện các giải pháp theo từng giai đoạn, bảo đảm đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi thể thao, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế; tích cực đề xuất với tỉnh quan tâm đưa vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn trong quá trình quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng nhà trẻ tại Cty nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đồng thời tích cực tham mưu cho công đoàn cấp trên và chính quyền các cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quỹ đất và hỗ trợ một số chính sách phù hợp để xây dựng nhà trẻ - nhà mẫu giáo… Đến nay, toàn tỉnh mới có Cty TNHH Youngone đang triển khai dự án xây dựng trường mầm non cho con em công nhân với quy mô 10 nghìn m2, 12 nhóm lớp, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2018. Đây là một tín hiệu vui cho công nhân đang có con trong độ tuổi mầm non ở Cty TNHH Youngone, đồng thời tạo tiền lệ, động lực để các doanh nghiệp xây dựng trường, nhóm trẻ mầm non cho con em công nhân. Bởi khi giải quyết được vấn đề có nhà trẻ, trường mầm non trong các khu, cụm công nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, giúp doanh nghiệp có nguồn lao động để phát triển sản xuất bền vững./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com