Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt tiềm năng của mỗi học sinh.
Chính vì điều đó, ngày khai trường của cả nước năm nay mang một bầu không khí mới - không khí vui tươi, phấn khởi, không hình thức. Năm học 2018-2019, các nhà trường hướng học sinh với một tinh thần: Học để làm, học để trở thành người tử tế, học để xứng đáng với công ơn cha mẹ, công ơn thầy cô, những người đã hy sinh cho mình để có cuộc sống ngày hôm nay. Tinh thần đó sẽ được chắp cánh trong từng bài học, động viên các em vui vẻ học tập để trở thành người hiểu biết, trở thành người có ích cho xã hội.
Phấn khởi bước vào năm học mới 2018-2019. |
Trong bối cảnh cần phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục coi trọng về phát triển năng lực và phẩm chất của người học; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, hướng học sinh trở thành những người học tập tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và các kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp theo tinh thần học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Để làm được điều đó thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng văn hóa học đường đang đứng trước nhiều thách thức. Những tác động của mặt trái xã hội đã len lỏi vào môi trường học đường. Những câu chuyện không hay xảy ra trong ngành giáo dục thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc. Nhưng đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Thực tế, phần đông giáo viên dù đồng lương chưa cao, cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn đang ngày đêm tận tụy, mang hết tâm huyết vì sự nghiệp “trồng người”.
Muốn đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới chương trình sách giáo khoa, mà cốt lõi ở người thầy. Thầy giáo phải là những người có tâm, có tài, biết mười dạy một, biết bồi dưỡng ý thức học sinh trở thành người tử tế, yêu quý học sinh như con em mình. Làm được như vậy, các trường sư phạm phải thay đổi mạnh mẽ, loại bớt những trường cao đẳng có chất lượng thấp, quy tụ lại đào tạo tại những trường đại học sư phạm kiểu mẫu mà Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn, có học bổng dành cho những em có học lực giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.
Xây dựng văn hóa học đường không thể không nhắc tới vai trò của đoàn thể. Đoàn Thanh niên, đội thiếu niên phải hoạt động sôi nổi, hào hứng, tăng thêm những hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống, kết hợp học mà chơi - chơi mà học với mục đích đào tạo những học sinh chăm ngoan, lễ phép, thông minh, sáng tạo.
Mục đích của xây dựng văn hóa học đường là hình thành và phát triển nhân cách người học. Để trở thành người có văn hóa, người học phải rèn luyện, biết tự học suốt đời, có ý chí và nghị lực vươn lên. Mặt khác, cha mẹ cũng phải là những người gương mẫu, phối hợp cùng nhà trường quan tâm tới con cái. Chúng ta hãy lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối, hướng tới những điều tốt đẹp để thế hệ trẻ trở thành những công dân thân thể khỏe mạnh, tình cảm cân bằng, trí tuệ sáng suốt và tâm linh sâu sắc./.
GS, NGND Nguyễn Lân Dũng