Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường và 175 cơ sở giáo dục mầm non tư thục (nhóm lớp độc lập tư thục). Các trường mầm non tư thục, nhóm lớp độc lập tư thục đã giúp giảm tải cho các trường mầm non công lập và đây cũng là những cơ sở nhận trẻ nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở này còn nhiều vấn đề bất cập.
Nhóm lớp độc lập tư thục Duy Tân ở phường Thống Nhất (TP Nam Ðịnh) được thành lập từ năm 2015 đã thu hút được nhiều học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Cơ sở tổ chức ăn bán trú cho 100% học sinh, đảm bảo về chất lượng. Ngoài các chương trình chăm sóc, giáo dục chính khóa, hằng năm, cơ sở giáo dục này còn có các chương trình ngoại khóa phong phú để rèn kỹ năng sống cho học sinh; thuê giáo viên nước ngoài để trẻ được tiếp xúc tiếng Anh… Ðây là nhóm lớp độc lập tư thục được nhiều phụ huynh đánh giá cao và chỉ tuyển sinh vào đầu năm học như các trường mầm non công lập khác. Ðể trở thành địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh, các cơ sở mầm non tư thục như Duy Tân đều có đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, có nhiều chương trình giáo dục phong phú. Tuy nhiên nhóm lớp độc lập tư thục này cũng còn có những hạn chế trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thiếu không gian để trẻ hoạt động ngoài trời… Nhóm lớp độc lập tư thục Bông Mai ở phường Thống Nhất cũng nổi tiếng bởi chất lượng chăm sóc trẻ. Theo các bậc phụ huynh, các cháu được gửi ở đây hầu như đến đây đều tăng cân, ngoan ngoãn và ít ốm vặt. Cơ sở hiện nay chỉ nhận giữ khoảng 20 cháu, từ 10 tháng đến 4 tuổi. Tuy nhiên các cháu đa số sinh hoạt chung phòng. Theo quy định tại Thông tư 13/2015/TT-BGDÐT của Bộ GD và ÐT, số lượng mỗi trẻ trong nhóm lớp tối đa chỉ có 7 trẻ và phải được sinh hoạt học tập khác phòng, mỗi phòng đều có cửa ngăn thì chỉ xét trong tiêu chí cơ sở vật chất, cơ sở này chưa đạt yêu cầu.
Cô và trò Trường Mầm non tư thục Hoa Sữa (TP Nam Ðịnh) trong một giờ học phát triển vận động. |
Thực tế hầu như các phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non đều mong muốn được gửi con trong các cơ sở giáo dục có điều kiện tốt hoặc thuộc sự quản lý của ngành GD và ÐT. Thế nhưng, ngoài trường mầm non tư thục đạt chuẩn, khi triển khai quyết định quy định điều kiện tối thiểu cho các nhóm trẻ độc lập tư thục có nhiều khó khăn ở những nơi không đủ điều kiện thành lập trường mầm non, ngành GD và ÐT không thể thực hiện vì theo quy định thì đối với nhóm trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, cứ 3-4 trẻ phải có một cô giáo nuôi dạy; từ 12 đến 18 tháng tuổi thì cứ 5-6 trẻ phải có một cô nuôi dạy và như vậy, nếu nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì số lượng cô nuôi dạy trẻ và quy mô lớp học sẽ phải tăng lên rất nhiều. Vì vậy, đến nay, ở hầu hết các đơn vị GD và ÐT ở tỉnh ta chưa có trường hợp trẻ dưới 12 tháng tuổi được gửi trong các trường mầm non công lập. Vì vậy, những nhóm trẻ độc lập tư thục này ra đời đã đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình. Ðể các nhóm trẻ độc lập tư thục hoạt động tốt, hằng năm, ngành Giáo dục mầm non tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ gia đình và cấp phép hoạt động cho những lớp, nhóm lớp có đủ điều kiện, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định, điều lệ của tỉnh, của ngành Giáo dục mầm non và huấn luyện về cách thức nuôi dạy trẻ khoa học tại các nhóm lớp. Ngành cũng phân công đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non công lập có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên tại các lớp, nhóm lớp, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn nơi trường đứng chân. Những người lập nhóm trẻ độc lập tư thục phải đăng ký với chính quyền địa phương và phải có đủ các điều kiện như: Có lòng yêu thương trẻ thực sự, biết cách nuôi trẻ theo khoa học và có các phương tiện sinh hoạt cho trẻ, có nhà ở thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Không thể đòi hỏi đội ngũ nuôi dạy trẻ trong các cơ sở này phải được đào tạo trong các trường sư phạm mầm non chính quy, nhưng gần đây, với sự quan tâm của ngành GD và ÐT, đội ngũ cô nuôi dạy trẻ trong các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục đã được huấn luyện ngắn hạn theo định kỳ để nắm được những kiến thức cơ bản, tối thiểu về nuôi dạy trẻ, tạo sự yên tâm cho mỗi gia đình có con nhỏ. Trên thực tế, đã có nhiều nhóm trẻ hoạt động khá tốt được các phụ huynh tín nhiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn tồn tại những cơ sở hoạt động không có giấy phép, không bảo đảm về cơ sở vật chất, chất lượng và chủ yếu trông hơn là dạy. Theo quy định, các nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình do UBND các xã, phường cấp giấy phép, sau đó phòng giáo dục thẩm định mới được hoạt động. Nhưng thực tế, nhiều cơ sở mầm non tư thục đang hoạt động dưới cơ chế thả nổi, len lỏi khắp các khu dân cư, tự thành lập khi có nhu cầu và tự giải tán khi không cần thiết. Vì thế, khó có thể tìm thấy nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục không phép nào đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học. Sự tồn tại của các cơ sở không có giấy phép hoạt động đã ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, sức khỏe và độ an toàn của trẻ. Tuy nhiên, do công tác thanh tra còn hạn chế nên phòng giáo dục, các xã, phường đã không thể kiểm soát hết được, nhất là các điểm tự phát nhỏ lẻ chỉ từ 5 đến 10 cháu. Trong khi đó, nhiều điểm không có chuyên môn, cách chăm sóc không khoa học nên không bảo đảm được nhu cầu của trẻ theo độ tuổi, đặc biệt là các nhóm trẻ do gia đình tự thành lập chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân. Theo quy định tại Ðiều 13 Thông tư số 13/2015/TT-BGDÐT của Bộ GD và ÐT, Phòng GD và ÐT có trách nhiệm phối hợp với chính quyền phường, xã, huyện, thành phố để quản lý chuyên môn của các cơ sở mầm non tư thục độc lập, nhưng thực tế do nhân lực không đủ và nhiều lý do khác nên hằng năm Sở GD và ÐT cũng chỉ tổ chức được các lớp tập huấn cho cán bộ xã, phường, cán bộ quản lý các cơ sở mầm non tư thục; các Phòng GD và ÐT cũng chỉ có công văn chỉ đạo, phân cấp cho các trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ đạo, quản lý chuyên môn các cơ sở này, và coi đó là một tiêu chí đánh giá hằng năm đối với các trường mầm non công lập.
Ðể phát huy tính ưu việt của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá công tác giáo dục, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế của các cơ sở này trên địa bàn tỉnh cần được các địa phương, ngành quan tâm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia giám sát, phát hiện các cơ sở mầm non độc lập tư thục hoạt động trái quy định, không đảm bảo an toàn cho trẻ để xử lý nghiêm theo quy định./.
Bài và ảnh: Hồng Minh