Mỗi năm một lần, cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi. Mùa giải năm nay, cuộc thi tiếp tục được đánh giá là sân chơi bổ ích cho những học sinh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Lần đầu tiên tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, nhóm 4 học sinh Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định) là: Nguyễn Quỳnh Hương, Nguyễn Trung Kiên, Trần Xuân Quốc, Chu Thế Lộc đã chinh phục ban giám khảo với giải pháp: “Thùng rác thông minh”. Giải pháp được các em nghiên cứu đưa ra từ việc quan sát thực tế thấy quá nhiều người chưa có ý thức phân loại rác thải từ nguồn, đặc biệt là học sinh không có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, vừa ô nhiễm môi trường lại khiến việc thu gom, phân loại rác của người lao công rất vất vả. Do đó, thông qua hình thức “bỏ rác đúng cách” với ý tưởng góp phần cải thiện môi trường. Các em đã cùng nhau thiết kế mô hình thùng rác thông minh có kết cấu hai hoặc ba ngăn tùy thuộc vào nhu cầu phân loại rác của người sử dụng. Đặc biệt, thùng rác có gắn thiết bị cảm biến để khi có hoạt động bỏ rác, thùng sẽ phát ra âm thanh nhắc nhở bỏ rác đúng vào ô phân loại. Ngoài tính năng thông minh, thùng rác được thiết kế gọn nhẹ, hình thức đẹp và bảo đảm an toàn, giá thành rẻ, dễ thay thế, sản xuất đại trà do sử dụng các vật liệu có sẵn trên thị trường với độ tin cậy cao như: thùng nhựa đựng rác; loa tích hợp đọc thẻ nhớ; đầu cảm biến tiệm cận OMRON và một vài thiết bị thông thường khác. Ban giám khảo đánh giá tính mới, tính sáng tạo của giải pháp là sử dụng nguồn điện ắc-quy 6V và không thiết kế các linh kiện ở phạm vi thùng chứa rác mà gắn trên giá sắt có mái che tạo độ an toàn tuyệt đối cho người sử dụng và giúp thiết bị không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (đặc biệt khi trời mưa). Giải pháp thùng rác thông minh được đánh giá có tính ứng dụng cao vào thực tế, nhất là sử dụng tại các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, chợ dân sinh, khu vui chơi… Hơn thế, mô hình còn là công cụ hữu hiệu giúp người sử dụng hình thành và nâng cao ý thức phân loại rác từ nguồn, tạo thuận lợi cho quá trình tái chế rác sau này. Sản phẩm đã được sử dụng hằng ngày ở Trường THCS Hàn Thuyên nơi các em học tập và đã giành giải nhất trong lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường tại cuộc thi.
Nhóm tác giả Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định) và giải pháp “Thùng rác thông minh” đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ V. |
Bên cạnh giải pháp thùng rác thông minh, giải pháp thiết bị chế biến tinh bột nghệ làm từ vật liệu tái chế của tác giả Trần Đức Minh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, tính thích ứng nhanh với xu hướng thị trường và tiêu dùng, giải quyết khó khăn trong thực tế lao động sản xuất. Với mong muốn giảm cường độ lao động, giúp các hộ gia đình dễ dàng tự chế biến tinh bột nghệ nguyên chất sử dụng hằng ngày, em Trần Đức Minh đã nghiên cứu tận dụng những vật liệu tái chế để lắp đặt thiết bị chế biến tinh bột nghệ. Thiết bị tích hợp cả 3 công đoạn nghiền củ, lọc bã, lắng đọng tinh bột hữu ích hơn các loại thiết bị đang có bán trên thị trường chỉ xay nghiền nguyên liệu. Theo đó, người sử dụng chỉ cần đưa nguyên liệu vào thiết bị xay trong vòng 20 phút, chờ 3 giờ cho nguyên liệu lắng lọc, tách nước là đã có sản phẩm nghệ tinh chất. Cách làm này tiết giảm tối đa thời gian và công đoạn lọc so với cách làm truyền thống. Thiết bị đã được nhiều hộ dân ở Thành phố Nam Định sử dụng để chế biến tinh bột nghệ tại nhà. Giải pháp mang tính kinh tế cao bởi thiết bị dễ dàng chế tạo, lắp đặt, di chuyển và tận dụng được nhiều vật liệu tái chế.
Ngoài hai giải pháp xuất sắc trên, làm nên thành công của Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V còn có sự đóng góp của 13 giải pháp sáng tạo khác do các em nghiên cứu thực hiện từ các ý tưởng xuất phát trong thực tế học tập và vui chơi hằng ngày, đặc biệt là có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống. Điều này đã thể hiện tinh thần đam mê khoa học, ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn chứ không học vẹt. Tiêu biểu như các giải pháp: rô-bốt đa năng hay máy hút bụi làm từ vật liệu tái chế của học sinh, Trường Tiểu học Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Thiết bị cảnh báo rò ga qua điện thoại của nhóm tác giả lớp 11A4 Trường THPT Lý Tự Trọng (Trực Ninh); máy quét rửa nền chuồng trại chăn nuôi của nhóm tác giả Trường THCS Đại An (Vụ Bản); máy sấy vải sử dụng năng lượng mặt trời của nhóm tác giả Trường THCS Nghĩa Hưng…
Để có được thành công này, công tác tổ chức, triển khai cuộc thi được các thành viên ban tổ chức tích cực động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia và bảo đảm sản phẩm dự thi được chuẩn bị tốt nhất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, thể lệ cũng như nội dung cuộc thi tới tất cả các trường học, cơ sở Đoàn, Đội trong tỉnh; thành lập tổ thư ký đến từng địa bàn trọng yếu để trực tiếp trao đổi, động viên, hỗ trợ cơ sở xử lý khó khăn vướng mắc của các thí sinh trong quá trình tham dự cuộc thi. Đặc biệt tại cuộc thi năm nay, ngoài việc khen thưởng cho các giải pháp đạt giải, Ban tổ chức còn đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân; bao gồm cả giáo viên hướng dẫn có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai cuộc thi từ cấp tỉnh tới cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phong trào. Sau gần một năm triển khai, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ V đã tiếp nhận 43 giải pháp dự thi; lựa chọn được 15 giải pháp có ý tưởng độc đáo, giá trị khoa học kỹ thuật cao để trao giải. Trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 5 giải Ba, 8 giải Khuyến khích.
Để Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tiếp tục là sân chơi bổ ích, giúp học sinh nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng phương pháp nghiên cứu, học tập, Ban tổ chức cuộc thi tập trung tuyên truyền, phát động cuộc thi tại các cấp, ngành, địa phương, trường học nhằm thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh và các phụ huynh. Tổ chức tốt việc rà soát, khuyến khích các em nêu ý tưởng sáng tạo để kịp thời vun đắp, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Cuộc thi cũng cần được các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, phát động triển khai trong ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các em tích cực hưởng ứng cuộc thi./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương