23 năm liền, ngành GD và ĐT Nam Định giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc, đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Trong đó tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học đạt cao; trung bình điểm thi đại học cao nhất cả nước… Để đạt được những kết quả tự hào đó, phải kể đến truyền thống hiếu học, chăm lo cho sự học của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, mỗi gia đình, dòng họ, thôn làng, nhà chùa, xứ đạo… Và đặc biệt là những “giải pháp” hữu hiệu của ngành GD và ĐT tỉnh nhà trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
I. Truyền thống hiếu học, chăm lo cho sự học của người dân
Nét đặc trưng, truyền thống ở mỗi người dân Nam Định là hiếu học, chăm lo cho sự học. Từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khối phố, trong nhà thờ hay nhà chùa đều sôi nổi những hoạt động chăm lo cho sự học. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh. Tiêu biểu trong việc chăm lo cho việc học hành của con em phải kể đến làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Với truyền thống hiếu học và là một địa danh nổi tiếng về số người học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, những năm gần đây, năm nào con em của làng cũng thi đỗ đại học, cao đẳng với tỷ lệ cao nhất nhì so với các làng trong cả nước. Người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề nông và dệt vải, kinh tế còn khó khăn nhưng vượt qua tất cả, nhà nhà đều phấn đấu cho con cái được ăn học nên người. Gia đình ông Phạm Ngọc Toán, ở xóm 7 là một hộ nông dân nghèo của làng Hành Thiện nhưng “gia tài” của ông lại khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Đó là 3 đứa con học những trường đại học danh tiếng tại Hà Nội và đều đã có nghề nghiệp ổn định. Nghĩ về những người con, ông Toán như quên đi mọi lo âu, mệt mỏi của những tháng năm làm việc vất vả. Ruộng ít, ông bà phải tranh thủ nấu rượu, nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập. Vì hoàn cảnh khó khăn mà có thời điểm, khi các con chuẩn bị thi đại học, ông bà còn không dám mong cho con thi đỗ, nhưng rồi con vẫn cứ đỗ. Niềm vui xen lẫn nỗi lo, cả nhà lại động viên nhau cố gắng vươn lên để thỏa niềm mong ước của các con là “giàu chữ” để vững vàng trong con đường lập thân, lập nghiệp… Lý giải về tỷ lệ đỗ đại học cao của con em trong làng, các bậc cao niên cho rằng, ngoài sự quan tâm, động viên của gia đình, dòng họ, sự nỗ lực của bản thân, các em đến trường còn được các thầy cô quan tâm đến việc hướng nghiệp và tổ chức ôn tập theo đúng năng lực của bản thân. Vì vậy, mỗi học sinh đều lựa chọn được trường phù hợp với khả năng của mình.
Trường THCS Hải Hà (Hải Hậu) luôn đứng trong tốp dẫn đầu huyện về chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Cô và trò Trường THCS Hải Hà. |
Là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thành lập Hội Khuyến học, phong trào khuyến học, khuyến tài ở tỉnh ta đã phát triển liên tục, sôi nổi, sâu rộng và đều khắp đã khơi dậy truyền thống hiếu học và chăm lo cho sự học của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5.058 chi hội, 4.608 Ban Khuyến học và có 486.264 hội viên, đạt 25,5% so với dân số toàn tỉnh. Các cấp Hội đã luôn quan tâm tới việc phát triển hội viên khuyến học trong các gia đình, cộng đồng dân cư. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 221.692 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 2.465 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, 2.057 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập” và 757 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”. Các cấp Hội luôn tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về đường lối, chính sách GD và ĐT của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân thực hiện chủ trương xã hội hóa, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người’’, phát huy và nâng cao truyền thống hiếu học, khuyến học của nhân dân. Đồng thời phát động xây dựng phong trào quần chúng sâu rộng chăm lo phát triển sự nghiệp GD và ĐT, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.
II. Những “giải pháp” nâng cao chất lượng giáo dục
Từ năm 1999, tỉnh ta đã là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 10-2001, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được duy trì và phát triển ở tất cả các bậc học, ngành học. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là biểu hiện toàn diện nhất của quá trình phấn đấu chuẩn hóa cơ sở vật chất giáo dục cả về chất lượng và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 648 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ở cấp mầm non có 168 trường, cấp tiểu học có 285 trường, cấp THCS có 174 trường và cấp THPT có 21 trường đạt chuẩn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các nhà trường. Ngoài ra toàn tỉnh đã có 354 trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong đó có 61 trường mầm non, 240 trường tiểu học, 51 trường THCS và 2 trường THPT. Quy mô giáo dục không ngừng tăng trưởng, hằng năm, tỷ lệ học sinh vào học lớp 1 đạt 100%, học sinh vào lớp 6 đạt 99,99% độ tuổi, học sinh vào học lớp 10 THPT và bổ túc THPT đạt 82%... Nhiều năm liền, đoàn học sinh giỏi của tỉnh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều đạt thứ hạng cao, trong đó năm học 2016-2017, đã có 77/94 học sinh đạt giải (chiếm 81,9%), trong đó có 1 giải nhất, 19 giải nhì, 30 giải ba và 27 giải khuyến khích. Trong kỳ thi THPT quốc gia, tỉnh ta có 99,54% học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT; tiếp tục đứng đầu với điểm trung bình cao nhất với mức điểm 5,86 (điểm trung bình cả nước là 5,39); điểm trung bình môn Toán, môn Hóa cao nhất cả nước; điểm trung bình khối A, A1 và khối B cũng đứng đầu toàn quốc, khối D đứng thứ 4 và khối C đứng thứ 7 toàn quốc. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được mở rộng, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số địa phương trong khu vực. Chất lượng giáo dục ổn định, giữ vững và nâng cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành được duy trì nền nếp, chất lượng tốt. Mỗi cơ sở giáo dục đều đã cụ thể hóa nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua bằng những chương trình hành động cụ thể; tập trung vào những nhiệm vụ thiết thực, giải quyết những vấn đề thực tiễn của đơn vị. Bên cạnh đó, với sự quan tâm, chỉ đạo của Sở GD và ĐT, hiện nay đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã ổn định và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Hằng năm, các hình thức, giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các đơn vị giáo dục được thực hiện đa dạng thông qua công việc thực tiễn, tự đào tạo, thế hệ trước giúp đỡ thế hệ sau, đào tạo lẫn nhau qua sinh hoạt chuyên môn theo trường, cụm trường, đào tạo qua hội giảng, hội thi, qua giao lưu trực tiếp, gián tiếp. Ngành GD và ĐT tỉnh cũng là một trong những đơn vị tích cực và có cách làm riêng, sáng tạo, hiệu quả để đổi mới mô hình, phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới công tác đào tạo, tự đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, Sở GD và ĐT cũng đã tham mưu với UBND tỉnh lập kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ, xây dựng đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh với người bản xứ; triển khai dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm trong nhà trường, đồng thời thí điểm giảng dạy, hội giảng, hội thi Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường THPT... và bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Những kết quả đạt được của ngành GD và ĐT trong những năm qua có sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng truyền thống của phong trào thi đua “Hai tốt”, liên tục dẫn đầu toàn quốc với nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh tâm huyết, tận tụy với nghề, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Kỷ cương, nền nếp trường học được xây dựng, củng cố thường xuyên. Bên cạnh đó, sự liên kết giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội chặt chẽ và phong trào khuyến học, khuyến tài diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương… đã tạo nên “thương hiệu” giáo dục Nam Định./.
Bài và ảnh: Hồng Minh