Từ năm học 2016-2017, Thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2016-2021”. Qua một năm thực hiện Đề án, Thành phố Nam Định đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều ở các trường học.
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Xá trong một giờ học. |
Thành phố Nam Định có 22 trường tiểu học và 18 trường THCS. Trước đây ngành GD và ĐT thành phố có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các đơn vị trường học, cùng với tâm lý “chọn trường, chọn lớp” của phụ huynh học sinh, dẫn đến tình trạng một số trường quá tải. Bên cạnh đó một số trường lại quá ít học sinh và gặp khó khăn về công tác tuyển sinh như các trường tiểu học: Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Lộc An; các trường THCS: Tô Hiệu, Lộc An, Lộc Hạ, Quang Trung, Lộc Hòa, Lộc Vượng. Trong khi đó, mức độ gia tăng số trẻ trong độ tuổi đi học ngày càng nhanh do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cộng thêm tỷ lệ tăng dân số cơ học. Ở cấp tiểu học, năm học 2017-2018, có 19.342 học sinh, tăng 784 em so với năm học 2016-2017. Ở cấp THCS, năm học 2017-2018 có tổng số 12.331 học sinh, tăng 487 em so với năm học 2016-2017. Do đó nhiều trường quá tải về sĩ số học sinh và tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng ngày càng nhiều. Việc tăng cường cán bộ quản lý, giáo viên giữa các đơn vị giáo dục gặp khó khăn do các trường luôn muốn ổn định đội ngũ, giáo viên ngại thay đổi môi trường công tác… Điều này dẫn đến tình trạng chênh lệch theo 3 nhóm trường gồm các trường có chất lượng tốt nằm trong nhóm dẫn đầu, các trường có chất lượng khá và các trường có khó khăn không được khắc phục. Triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2016-2021, Phòng GD và ĐT Thành phố Nam Định đã tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Phòng GD và ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên vào đầu năm học. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên toàn ngành học tập đầy đủ các nghị quyết của Đảng; chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các lớp tập huấn chuyên môn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện tốt nhiệm vụ trong từng năm học. Phòng GD và ĐT thành phố cũng tổ chức các cuộc hội thảo, hội giảng trong năm học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường. Nhiều giáo viên đã tích cực đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Trong năm học vừa qua, cấp tiểu học có 31 cán bộ quản lý, giáo viên; cấp THCS có 13 cán bộ quản lý, giáo viên được học tập nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ; 10 giáo viên được trưng tập biệt phái về các trường khó khăn. Trong các kỳ hội giảng cấp tỉnh năm học 2016-2017, đội tuyển giáo viên của thành phố đều xếp thứ nhất toàn đoàn. Trong đó một số trường khó khăn cũng có giáo viên đoạt loại giỏi trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tiêu biểu như các trường tiểu học: Lộc An, Lộc Vượng, Nam Phong; THCS: Mỹ Xá, Quang Trung. Để tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí cho các trường còn khó khăn, thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác thu chi, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường. Năm học 2016-2017, nhiều trường đã được xây dựng phòng học kiên cố, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất như: Tiểu học Kim Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Sơn, Trần Văn Lan, Trần Tế Xương, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi; THCS Lý Thường Kiệt, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng, Tô Hiệu. Ngoài ra, nhiều trường có khó khăn được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa thường xuyên, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đến nay hệ thống trường học của thành phố đã được cải thiện đáng kể. Nhiều trường trước kia còn phòng học cấp 4 nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang. Trong đó, qua một năm triển khai đề án, cấp tiểu học có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 1 trường được công nhận xanh - sạch - đẹp - an toàn; trường THCS Trần Bích San đang tích cực phấn đấu để đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2017-2018; các trường THCS Lộc An, Nam Phong phấn đấu đạt chuẩn theo tiêu chí NTM. Trong tuyển sinh, thành phố đã chú ý phân bổ địa bàn tuyển sinh hợp lý; trong đó quan tâm đến các trường thuộc diện khó khăn. Các trường: Tiểu học Nguyễn Văn Cừ và THCS Tô Hiệu trước đây luôn trong tình trạng đặc biệt khó khăn về tuyển sinh nhưng số lượng tuyển vào lớp 1 trong năm qua có chiều hướng tăng. Chất lượng giáo dục ở các nhà trường được nâng lên tương đối đồng đều, trong đó các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 99,4% đến 100% và đều có học sinh giỏi đoạt giải trong kỳ thi cấp thành phố và 19/22 trường có học sinh đoạt giải trong kỳ thi cấp tỉnh. Trong năm học 2016-2017, thành phố có 423 học sinh đoạt trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, 87 em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 21 em đoạt giải trong các kỳ thi ở cấp quốc gia. Ở bậc THCS có 97% đến 100% học sinh được lên lớp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS có 21/22 trường, đạt 100%. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 13/18 trường có học sinh đoạt giải.
Thời gian tới, Thành phố Nam Định tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học, các trường THCS, đưa sự nghiệp GD và ĐT thành phố phát triển vững chắc, xứng đáng danh hiệu đơn vị xuất sắc, dẫn đầu toàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh