Chú trọng dạy văn hóa gắn với đào tạo nghề ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên

08:02, 02/02/2018

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có mong muốn vừa học nghề, vừa được học văn hóa, các Trung tâm GDTX trong tỉnh đã phối hợp với các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy văn hóa và đào tạo nghề, đồng thời phân công trách nhiệm cho các trung tâm GDTX phụ trách dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình GDTX cấp THPT, các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề phụ trách cơ sở vật chất và đào tạo nghề cho học viên. Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng TCCN hoặc trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp GDTX cấp THPT, có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Thầy và trò Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.
Thầy và trò Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.

Trong những năm gần đây, Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu (Nam Trực) đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp học văn hóa - nghề cho học viên, giúp học viên có cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã chủ động liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề như Trường Trung cấp Nghề Thương mại - Du lịch - dịch vụ Nam Định, Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản (Hà Nam) đào tạo các nghề gồm: Hướng dẫn viên du lịch, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, Kỹ thuật khảm trai, Điện công nghiệp. Trung tâm đã tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của học viên, tư vấn lựa chọn nghề học và chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất phục vụ cho học viên học các môn văn hóa bậc bổ túc THPT và học nghề, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Trung tâm cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền để cho học viên hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích của các chương trình dạy văn hóa - nghề thông qua việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo nghề và cùng với các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện việc gắn việc đào tạo nghề sát với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường lao động hiện nay và tăng cường tìm hiểu, sắp xếp để học viên đi thực tập sản xuất gắn với bố trí việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, trung tâm liên tục có 7-8 lớp văn hóa - nghề với khoảng 200 học viên theo học.

Từ năm học 2016-2017, Trung tâm GDTX huyện Giao Thủy đã có 100% học sinh vào học đều lựa chọn đăng ký học nghề phù hợp với nguyện vọng. Trung tâm đã trực tiếp lựa chọn các trường nghề, ký kết hợp đồng để đưa giáo viên về giảng dạy cho học sinh. Đồng thời dành một khu thực hành riêng cho học sinh với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với thực tế hiện nay. Hiện tại, nhà trường đã ký hợp đồng với các trường: Trường Cao đẳng Nghề Lilama 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội để dạy về các nghề Hàn công nghệ cao, Điện công nghiệp và dân dụng, Lắp đặt ống công nghiệp, May thời trang, Kỹ thuật chế biến món ăn. Trước đây đa số các em sau khi tốt nghiệp THPT phải dành thời gian và kinh phí để đi học nghề  hoặc ở nhà làm nông nghiệp thì nay đã có sự định hướng học nghề phù hợp với khả năng trình độ và được các Cty ký kết hợp đồng sau khi tốt nghiệp. Ngoài làm tốt công tác phối hợp giữa các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề, ban giám đốc trung tâm còn tổ chức tư vấn hướng nghiệp để các bậc phụ huynh và học sinh xác định mục tiêu tự nguyện theo học. Hiện tại trung tâm có 9 lớp với  hơn 250 học sinh. Ngoài được theo học các môn văn hóa cơ bản, các em còn được hướng nghiệp lựa chọn học nghề miễn phí với 11 lớp nghề phù hợp với năng lực trình độ ngay tại trung tâm. Để công tác học văn hóa và dạy nghề được đảm bảo, trung tâm đã tổ chức sắp xếp bố trí thời gian học hợp lý để các em tiếp thu được kiến thức cơ bản nhất. Toàn bộ việc học nghề của học sinh do các giảng viên trường nghề đảm nhiệm, 30% thời gian học lý thuyết còn lại là thực hành bằng các thiết bị máy móc hiện đại nhất do các trường dạy nghề đầu tư. Trung tâm cũng đã tạo điều kiện cho các trường nghề đưa thiết bị giảng dạy tại 7 phòng học đảm bảo giáo dục thực hành theo đúng quy định. Với thời gian biểu từ thứ 2 đến chiều thứ 5 học văn hóa và từ chiều thứ 5 và cả ngày thứ 6 học nghề nên trung tâm đã phân công cán bộ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh trong giờ học văn hóa và giờ học thực thực hành đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Đối với mỗi học sinh dù tuổi đời còn rất trẻ song hầu hết các em khi được hỏi cũng đã ý thức được việc lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực mới là quan trọng.

Với mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các trung tâm GDTX trong những năm gần đây tương đối ổn định, năm sau tăng hơn năm trước, góp phần vào công tác huy động học viên vào học tại các trung tâm GDTX trong tỉnh. Năm học vừa qua, toàn tỉnh huy động được 5.147 học viên, trong đó có 3.732 học viên học tại các trung tâm GDTX và 1.415 học sinh học nghề - văn hóa. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh tiếp tục có 8 trung tâm GDTX liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề cho học viên với khoảng 1.500 học viên học văn hóa - nghề. Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cũng đã đào tạo nghề cho học viên ở các trung tâm GDTX và đào tạo nghề ngay tại trường cho các học viên, tùy thuộc vào cơ sở vật chất của từng trung tâm. Thực hiện liên kết, các trung tâm GDTX đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ GD và ĐT và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng GDTX cấp THPT theo đúng quy chế, quy định. Các nghề được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gồm 15 ngành, nghề khác nhau và các trường đã có nhiều chế độ, chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho học viên tham gia học nghề. Theo báo cáo của các đơn vị, nhiều học viên ra trường đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập tương đối ổn định.

Tuy nhiên đến nay, việc học văn hóa kết hợp với học nghề vẫn còn gặp khó khăn do học viên và gia đình học viên chưa quan tâm, chú trọng đến việc học nghề. Mặt khác, số lượng học viên ở các trung tâm GDTX ngày càng giảm nên khó huy động đủ số lượng học viên đăng ký học nghề để mở được lớp. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, vào trường vừa học văn hóa vừa học nghề lượng kiến thức lớn, do đó gặp nhiều khó khăn về yêu cầu thời gian và quá trình tiếp nhận kiến thức. Ở một số đơn vị liên kết, số học viên ít, chất lượng đào tạo chưa cao, một số trường, trung tâm nghề còn thiếu phòng học, phòng chức năng nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Mấy năm gần đây, nhu cầu của các doanh nghiệp giảm nên học viên gặp khó khăn sau khi ra trường và ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường trung cấp.

 Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trung tâm GDTX cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS. Các trung tâm GDTX cũng cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp. Đồng thời chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc học nghề ở các trung tâm GDTX, học văn hóa ở các trường, trung tâm dạy nghề; tăng cường công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu sử dụng đối tượng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở công nghiệp tại địa phương để đào tạo nghề theo nhu cầu…

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com