Những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh phổ thông. Phong trào đã khơi dậy sự đam mê trong học tập, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh, tạo điều kiện cho các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Sản phẩm “Máy thu gom rác trên mặt nước” của học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định) tại cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn tỉnh năm học 2017-2018. |
Với 4 nhóm lĩnh vực là Tin học và điều khiển, Hóa - sinh - y học - môi trường, Khoa học xã hội và hành vi, Kỹ thuật cơ khí - vật lý, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm học 2017-2018 đã thu hút 102 sản phẩm của 45 trường THPT, 1 trung tâm GDTX và 56 đơn vị thuộc 10 Phòng GD và ĐT huyện, thành phố tham dự. Phòng GD và ĐT Nam Trực tham gia cuộc thi năm nay có 4 dự án của các trường THCS: Nam Hồng, Nguyễn Hiền, Nam Thanh, Nam Hải với 3 lĩnh vực về Khoa học xã hội hành vi, Y sinh, Cơ khí. Các dự án năm nay được đánh giá tốt về chất lượng và đồng đều giá trị khoa học với những ưu điểm nổi bật như thực tiễn sáng tạo, thời sự và nhân văn, phát huy giá trị truyền thống, nhận thức tốt về môi trường. Kết quả chung cuộc, Phòng GD và ĐT Nam Trực đạt giải nhì toàn đoàn. Trong đó, dự án: “Chế tạo dung dịch và chế tạo băng gạc cầm máu từ dịch chiết lá cây nhọ nhồi” của Trường THCS Nam Thanh đạt giải Nhì lĩnh vực và giải Khuyến khích lĩnh vực y sinh và khoa học sức khoẻ. Dự án “Nâng cao nhận thức học sinh đối với môn tiếng Anh từ học ứng thi sang học toàn diện” đạt giải Ba lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi. Dự án “Giáo dục kỹ năng sống qua hoạt động tập thể xây dựng phong cách học sinh THCS Nam Hồng” của Trường THCS Nam Hồng và dự án “Thiết bị diệt côn trùng dùng điện gió” của Trường THCS Nam Hải đạt giải Khuyến khích về lĩnh vực Khoa học xã hội và Khoa học thực vật. Tại cuộc thi, nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật mang ý nghĩa thực tiễn, sáng tạo và phù hợp với nghiên cứu của học sinh trung học như: “Bếp điện mini hai chiều” của Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), “Máy xông hơi mini gia đình” của Trường THCS Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), “Máy chũi thóc đa năng” của Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu). Đặc biệt, trong cuộc thi năm nay, một số dự án đã thể hiện sự quan tâm của các em đến các vấn đề nóng của xã hội đang phát sinh và gặp khó khăn trong việc giải quyết như các đề tài: “Hình thành kỹ năng sơ cứu tâm lý học đường cho học sinh” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, “Giải pháp hạn chế mâu thuẫn giữa vị thành niên, thanh niên đồng tính, song tính và chuyển giới với người dị tính” của Trường THPT Nguyễn Khuyến, dự án “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” của Trường THPT Trần Hưng Đạo, “Kỹ năng kiểm soát tức giận ở lứa tuổi học sinh THPT của Trường THPT Tống Văn Trân". Điều đáng mừng là một số đề tài đã thể hiện sự quan tâm của các em tới việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống như đề tài “Phát huy giá trị của trò chơi dân gian của Trường THCS Trực Phú (Trực Ninh), “Xây dựng thư viện tự quản để nâng cao văn hóa đọc” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong… Thực tế, trong quá trình triển khai ý tưởng về đề tài các em cũng gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, cô giáo cộng với việc phối hợp nghiên cứu thực tế, sáng chế, vận dụng kiến thức liên môn vào nghiên cứu, các em đã thành công.
Những năm gần đây, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các trường phổ thông tiếp tục được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Ban giám hiệu các trường trung học đã quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên về lĩnh vực này; đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn gắn với nghiên cứu khoa học, gợi mở ý tưởng cho học sinh từ kiến thức được học trong nhà trường đến việc lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học ở các bộ môn Hoá học, Sinh học, Vật lý để hướng dẫn học sinh nghiên cứu… Từ các ý tưởng sáng tạo của các em, nhà trường sẽ chọn ra ý tưởng độc đáo, phân công giáo viên hướng dẫn các em thực hiện. Qua các đề tài tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông vừa qua cho thấy, hầu hết ý tưởng của các em đều gắn với thực tiễn đời sống, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường. Từ hoạt động nghiên cứu khoa học, các em đã bộc lộ sự chủ động trong việc tìm kiếm ý tưởng, tài liệu, tìm nguồn tài trợ, các nhà khoa học hỗ trợ cho đề tài, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào nghiên cứu, khả năng trình bày, thuyết phục… Đặc biệt, thông qua nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật, các em đã tìm cách vận dụng những kiến thức thu nhận được từ nhà trường, từ các nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống hiện tại hay tạo ra những sản phẩm cụ thể có ích cho cộng đồng. Đây là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi học sinh trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh cũng khiến giáo viên phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức để hướng dẫn các em. Đây cũng là một “cú hích” quan trọng để giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, không áp đặt mà trở thành người khơi gợi kiến thức, định hướng học sinh phương pháp tìm tòi tri thức mới, giúp các em phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo trong việc thu nhận kiến thức.
Việc đẩy mạnh phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh phổ thông đã góp phần đổi mới phương thức dạy và học, phát triển năng lực nghiên cứu, sáng tạo của các em nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị thiết thực trong sản xuất và đời sống. Phong trào này đang được ngành GD và ĐT tiếp tục quan tâm nhằm giúp học sinh “học đi đôi với hành”, nâng cao chất lượng GD và ĐT./.
Bài và ảnh: Hồng Minh