Tiếp tục đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học

09:12, 04/12/2017

 

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở vật chất của các trường học trong tỉnh ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non với 3.882 lớp học, 293 trường tiểu học với 4.668 lớp, 237 trường THCS với 2.920 lớp, 57 trường THPT với 1.348 lớp, 15 trung tâm GDTX với 124 lớp học. Hầu hết các trường đều đầu tư phòng học khang trang cùng trang thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm học 2017-2018, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở vật chất ở các nhà trường tiếp tục được tăng cường. Trong năm học vừa qua ở cấp học mầm non, đã có 124 phòng học xây mới; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được mua sắm đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Ở cấp tiểu học, 100% các nhà trường đã chuẩn bị, bố trí sắp xếp phòng học đảm bảo đủ cho dạy học 2 buổi/ngày. Trang thiết bị dạy học, bàn ghế được đầu tư tương đối đầy đủ, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác dạy và học. Ở cấp trung học, Sở GD và ĐT đã đầu tư cho các nhà trường 105 phòng học tiếng thông dụng, 68 phòng học thông minh, 32 phòng thực hành tin học cùng nhiều trang thiết bị khác. Các nhà trường đầu tư mua sắm bàn ghế 1, 2 chỗ ngồi và nhiều trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.

Trường THCS Trực Mỹ (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng các phòng học đạt chuẩn.
Trường THCS Trực Mỹ (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng các phòng học đạt chuẩn.

 

Với tổng số 15 trung tâm GDTX, hiện có 175 phòng học, trong đó 156 phòng học kiên cố, 30 phòng thí nghiệm, 15 thư viện, 642 máy tính, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Ngành GD và ĐT tiếp tục triển khai hiệu quả phần mềm phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng khai thác sử dụng “trường học kết nối” ở bậc THCS và THPT. Triển khai Phần mềm quản lý trường học tại 3 trường THPT: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến và chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã có kết nối internet, sử dụng phần mềm quản lý (EMIS, PMIS, VEMIS, kế toán, thư viện, phần mềm quản lý trường học, phần mềm quản lý ngân hàng đề thi...) đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác điều hành và quản lý. Cũng từ năm học này, các Trung tâm học tập cộng đồng nhờ có nguồn tăng cường cơ sở vật chất trích từ ngân sách giáo dục là 2 tỷ 290 triệu đồng đã đầu tư trang thiết bị như máy chiếu, máy tính, học liệu, từng bước hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng NTM ở các địa phương được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã coi việc thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân về xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng trường, lớp học gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phát triển GD và ĐT. Đến nay, toàn tỉnh đã có 648 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ở cấp mầm non có 168 trường đạt chuẩn, cấp tiểu học có 285 trường, cấp THCS có 174 trường và cấp THPT có 21 trường, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Ngoài ra toàn tỉnh đã có 354 trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong đó có 61 trường mầm non, 240 trường tiểu học, 51 trường THCS và 2 trường THPT. Nhờ tích cực chuẩn hóa cơ sở vật chất giáo dục, hằng năm, các nhà trường đã làm tốt công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, trong sạch, ổn định và có chất lượng. Kỷ cương, nền nếp dạy và học không ngừng được củng cố và duy trì nghiêm túc. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các nhà trường triển khai sâu rộng ở tất cả các bộ môn và mọi tiết học.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa tích cực tham mưu và phối hợp quản lý các nhóm trẻ tư thục; vẫn còn một số nhóm trẻ tư thục chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Trang thiết bị của nhiều trung tâm GDTX, nhất là thiết bị dạy nghề còn thiếu, lạc hậu, không đồng bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số trường chuyên nghiệp còn lạc hậu. Tiến độ đầu tư nâng cấp đối với các trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia chậm, việc công nhận lại gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, ngành GD và ĐT tiếp tục cùng với các địa phương tranh thủ các nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com