Tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

08:12, 19/12/2017

Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đã được ngành GD và ĐT quan tâm, giúp cho các em được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Em Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Yên Cường (Ý Yên) bị chậm phát triển vận động và trí tuệ từ nhỏ. Trước đây, do sợ mọi người chê bai, dè bỉu sẽ khiến cháu thêm mặc cảm, tự ti nên gia đình không cho cháu tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Khi cháu đến tuổi đến trường, gia đình lại lo không biết nhà trường có nhận những học sinh khuyết tật không và nếu nhận thì liệu có biện pháp để bạn bè không trêu chọc, chế giễu cháu không nên đã xác định cho cháu ở nhà. Sau khi được sự động viên của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, gia đình đã xin cho cháu vào học tại Trường Tiểu học Yên Cường. Mặc dù không được nhanh nhẹn trong tiếp thu bài vở, nhưng với sự quan tâm, kiên trì giáo dục của các thầy, cô giáo, em đã biết đọc, biết viết, làm toán và đã hoạt bát, nhanh nhẹn hơn rất nhiều. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A đang trực tiếp dạy Yến cho biết: Với hoàn cảnh của Yến, tôi luôn nhắc nhở học sinh trong lớp hòa đồng, giúp đỡ để em xóa đi mặc cảm. Mọi hoạt động của lớp, cô giáo và các bạn đều hướng dẫn để em tham gia sinh hoạt bình thường như các bạn khác. Mỗi buổi lên lớp, những kiến thức truyền đạt thế nào để em tiếp thu được cũng đòi hỏi sự quan tâm, kiên trì của giáo viên, đồng thời phải luôn khuyến khích, tạo điều kiện để em có cơ hội phát biểu ý kiến, dù là một câu trả lời đơn giản nhưng cũng khiến em phấn khởi, tự tin.

Em Nguyễn Hải Yến, học sinh khuyết tật Trường Tiểu học Yên Cường (Ý Yên) luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm, giúp đỡ trong học tập, sinh hoạt.
Em Nguyễn Hải Yến, học sinh khuyết tật Trường Tiểu học Yên Cường (Ý Yên) luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm, giúp đỡ trong học tập, sinh hoạt.

Năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã huy động được trên 1.300 trẻ khuyết tật ra học hòa nhập tại các trường tiểu học. Nhiều địa phương đã huy động được số trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập đạt tỷ lệ cao như các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu… Trẻ khuyết tật ở các dạng khác nhau như: thể vận động, trí tuệ, khiếm thính, thị lực hạn chế… đều được đến trường; trong đó nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. Để giúp trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện cắp sách đến trường, những năm qua cấp ủy, chính quyền các địa phương và ban giám hiệu các nhà trường, các tổ chức xã hội đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi như hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, hỗ trợ ăn trưa… Các ngày lễ lớn, dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi…, các em được tặng quà, qua đó đã từng bước vượt qua mặc cảm để hòa nhập và vươn lên trong học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cũng được ngành GD và ĐT triển khai khoa học, bài bản, trong đó trang bị cho giáo viên tham gia giảng dạy trẻ khuyết tật những kiến thức cơ bản, hỗ trợ về phương tiện giảng dạy, điều chỉnh chương trình, đặc biệt là kỹ năng giảng dạy để giúp học sinh hòa nhập phát triển hết khả năng của mình… Do đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, khó khăn của giáo viên khi dạy trẻ khuyết tật hiện nay là các em được sắp xếp học chung lớp với các học sinh phát triển bình thường, trong khi đối với trẻ chậm phát triển về trí tuệ tiếp thu bài giảng, nhớ kiến thức đã học rất khó khăn nên đòi hỏi giáo viên dạy các em phải chú ý quan tâm về biểu hiện, hành vi, khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật để có cách giáo dục và đánh giá kết quả học tập cho phù hợp. Với những trẻ khuyết tật về vận động, về thị lực, thính giác… cũng đòi hỏi giáo viên sự tận tâm, kiên trì, thái độ tình cảm phải thể hiện sự yêu thương, gần gũi, đối xử công bằng để trẻ vừa tiếp nhận được kiến thức, vừa giúp các em tham gia các hoạt động của lớp, tự tin hòa nhập với các bạn trong lớp, trong trường. Việc động viên, khen ngợi khi các em đọc được bài, trả lời được câu hỏi cũng làm cho các em rất vui và thích tham gia vào các hoạt động hơn. Những hoạt động trên đã phần nào giúp trẻ khuyết tật nâng cao khả năng nhận thức, nắm bắt được những kiến thức cơ bản của chương trình học, chủ động, linh hoạt hơn trong sinh hoạt của bản thân và cách ứng xử với các tình huống. Tuy nhiên, ngành GD và ĐT cũng gặp khó khăn khi đối tượng trẻ khuyết tật hiện nay đến trường không được phân loại, chọn lọc một cách kỹ càng. Nhiều trường hợp trẻ đến trường nhưng khả năng nhận thức kém, quá hiếu động hoặc khả năng nghe kém…, gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy. Trong khi giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật hiện nay chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy trẻ chuyên biệt thì khả năng truyền thụ cũng như kỹ năng giảng dạy để các em hiểu còn hạn chế. Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng đủ kiên trì để quan tâm đặc biệt đến các em trong quá trình giảng dạy cũng như quan tâm, gần gũi đến các em để giảm bớt sự tự ti, có khả năng giao tiếp để hòa nhập. Trong khi đó, học sinh khuyết tật lại học cùng với học sinh phát triển bình thường, thời gian ở trên lớp hạn hẹp, nếu giáo viên dành nhiều thời gian để quan tâm đến trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác. Việc thiếu thốn về trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ các em trong quá trình học tập, hòa nhập cũng là một khó khăn không nhỏ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ khuyết tật.

Mục tiêu của giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong các nhà trường là nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, có tính tự lập tối đa và sự phụ thuộc tối thiểu, chuẩn bị tốt các kỹ năng xã hội, tạo sự công bằng cho mọi trẻ em được đến trường và làm tiền đề cho trẻ khuyết tật tự khẳng định, hòa nhập xã hội. Vì vậy, để chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đạt được những kết quả như mong muốn thì cả phía nhà trường, gia đình cần phải có những cố gắng, nỗ lực, tích cực hơn nữa để giúp đỡ các em./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com