Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2011-2020, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.
Mục tiêu của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh để đạt được những tiến bộ rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên và học sinh, bảo đảm sau khi học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, tiếp tục học tập ở những cấp cao hơn để có thể làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Sở GD và ĐT đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục hệ 10 năm; từ lớp 3, môn Ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông cho 100% số học sinh của các cấp học và các khối lớp. Trong đó duy trì và phát triển số lượng học sinh học tiếng Nga và tiếng Pháp; những học sinh ở lớp này được học thêm tiếng Anh tự chọn là ngoại ngữ 2. Đến hết năm học 2016-2017, toàn tỉnh đã triển khai dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm cho 71,6% số trường tiểu học với 52.158 học sinh; 48 trường THCS với 6.140 học sinh và 23 trường THPT với 6.608 học sinh. Sở GD và ĐT đã triển khai thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học theo kế hoạch của Bộ GD và ĐT. Trong đó đổi mới hình thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng giao tiếp của học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các lớp tập huấn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới của Bộ GD và ĐT. Xây dựng các diễn đàn trên internet và tổ chức các buổi hội thảo để giáo viên và học sinh trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập môn ngoại ngữ. Xây dựng và phát huy mạnh mẽ môi trường hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ như: tổ chức các cuộc giao lưu, thi Ô-lim-pích tiếng Anh, các CLB tiếng Anh… trong các nhà trường nhằm phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói của học sinh.
Học sinh Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định) trong giờ học ngoại ngữ. |
Trong các năm học, ngành đã có nhiều hình thức xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như: tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên các cấp học; trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn đào tạo. Ngành đã cử giáo viên cốt cán của các trường tham dự các khóa tập huấn có chất lượng trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với các chương trình giáo dục hiện đại, trao đổi kinh nghiệm dạy học. Từ năm 2011, ngành GD và ĐT tỉnh đã tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho 100% số giáo viên tiếng Anh, với tổng số 1.403 giáo viên; trên cơ sở đó lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn năng lực và lựa chọn những giáo viên có năng lực, thành tích tốt bồi dưỡng, tập huấn trong nước và nước ngoài để trở thành mạng lưới giáo viên cốt cán. Đồng thời phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho giáo viên. Trong 6 năm qua, Sở GD và ĐT đã tổ chức nâng cao năng lực tiếng Anh cho 1.647 lượt giáo viên; kết quả các khóa học có từ 50% đến 80% đạt chuẩn. Hiện tại, toàn tỉnh có 96,0% giáo viên tiểu học đạt chuẩn B2 (năm 2011 là 5,1%), 93% giáo viên THCS đạt chuẩn B2 (năm 2011 là 8,3%) và 80,2% giáo viên THPT đạt chuẩn C1 (năm 2011 là 1,6%) theo quy định của Bộ GD và ĐT. Sau các khóa bồi dưỡng năng lực, chất lượng giáo viên tiếng Anh đã được nâng lên. Hầu hết các giáo viên đã tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh trong lớp học và học sinh cũng hài lòng hơn về giờ dạy của giáo viên. Từ năm 2011 đến 2017, Sở GD và ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp, nghiệp vụ cho 1.143 lượt giáo viên tiếng Anh các cấp. Trong đó, phối hợp với Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức bồi dưỡng năng lực sư phạm cho 743 lượt giáo viên về các chủ đề: Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh, Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kỹ thuật biên soạn bài kiểm tra, đánh giá; tổ chức cho 20 giáo viên tiếng Anh đi đào tạo ngắn hạn tại Xinh-ga-po về phương pháp giảng dạy và năng lực ngôn ngữ. Phối hợp với Hội đồng Anh mở 11 lớp bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng Anh cho 220 giáo viên cốt cán (60 giáo viên tiểu học, 100 giáo viên THCS và 60 giáo viên THPT). Đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên tham dự các cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong nước và quốc tế như: VietTESOL do Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh và Đại sứ quán Mỹ tổ chức, SEAMEO RETRAC Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Curtin, Ốt-xtrây-li-a tổ chức. Đồng thời khuyến khích, động viên các giáo viên tham dự các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và quốc tế. Phối hợp với Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp những thông tin về các khóa đào tạo và có công văn chỉ đạo các đơn vị khuyến khích học sinh tham dự. Tỉnh có chế độ hỗ trợ kinh phí cho mỗi giáo viên có bằng thạc sĩ là 20 triệu đồng, tiến sĩ là 30 triệu đồng. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 33 thạc sĩ tiếng Anh. Cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, đến nay, bằng nhiều nguồn đầu tư, số tiền phục vụ cho đề án là 71.391,5 tỷ đồng, trong đó số tiền của Chương trình mục tiêu quốc gia cấp là 30,3 tỷ đồng, kinh phí địa phương là 40.643,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch sử dụng thiết bị, tổ chức mua sắm thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học ngoại ngữ. Trong 6 năm thực hiện đề án, tỉnh đã trang bị 685 phòng học ngoại ngữ các loại; trong đó có 58 phòng đa năng, 34 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và 448 phòng học ngoại ngữ thông dụng, 45 phòng học tương tác cho các cơ sở giáo dục chất lượng cao phục vụ việc dạy học ngoại ngữ và các môn học khác. Đồng thời tổ chức đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy theo hình thức xã hội hóa ở 38 trường tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh đang xây dựng 12 đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ ở cả 3 cấp học. Các đơn vị này bước đầu đã có những sáng tạo và tích cực trong việc triển khai các nhiệm vụ của đề án như: Đưa yếu tố người nước ngoài vào nhà trường, triển khai dạy đồng loạt chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, tổ chức các hội thảo, báo cáo chuyên đề, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy - học tiếng Anh, các CLB, cộng đồng học tập tiếng Anh… Từ năm học 2014-2015, tỉnh triển khai dạy thí điểm Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại 16 trường THPT trong toàn tỉnh và bồi dưỡng cho học sinh tham dự cuộc thi Toán bằng tiếng Anh Hà Nội mở rộng, Toán 100 thành phố trên thế giới, Toán do Nga tổ chức đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Qua 6 năm triển khai thực hiện “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020”, chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường đã có chuyển biến rõ rệt. Chất lượng nghe và nói tiếng Anh của học sinh được nâng lên, học sinh tự tin hơn khi giao tiếp và nói tiếng Anh với người nước ngoài. Thành tích thi học sinh giỏi ngoại ngữ, các kỳ thi ngoại ngữ như: Ô-lim-pích tiếng Anh trên internet, Ô-lim-pích tài năng tiếng Anh cấp toàn quốc đều đạt giải và thứ hạng cao, đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc./.
Bài và ảnh: Hồng Minh