Từ năm học 2014-2015, Bộ GD và ĐT triển khai mô hình trường học mới tại nhiều trường THCS trên cả nước. Mô hình này hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế, chuyển từ cách dạy đọc chép sang phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm. Giáo viên thay vì giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì chỉ hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của các em.
Học sinh Trường THCS Trực Nội (Trực Ninh) trong một giờ học theo mô hình trường học mới. |
Ở tỉnh ta, việc thực hiện thí điểm mô hình trường học mới ở bậc THCS được triển khai từ năm học 2015-2016. Sở GD và ĐT đã chọn 21 trường thực hiện thí điểm mô hình này và chỉ có khối lớp 6 tham gia. Năm học này là năm học thứ 3 ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục triển khai ở các trường đã chọn đối với khối lớp 6 và những học sinh được học mô hình này từ năm lớp 6 sẽ theo chương trình lên các lớp 7, lớp 8. Mô hình trường học mới, về cơ bản nội dung giảng dạy không thay đổi, chỉ sắp xếp lại cho phù hợp với cách dạy mới. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lí tích hợp thành môn Khoa học xã hội; các môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật tích hợp thành Hoạt động giáo dục... Qua thời gian triển khai, những giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình này cho rằng đây là mô hình mới, hay, tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện, phát huy sự tương tác giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên. Những ưu điểm nổi bật của mô hình trường học mới ở bậc THCS là triển khai dựa trên sự phối hợp giữa hoạt động học tập cá thể với sự tương tác học sinh - học sinh và học sinh - giáo viên; hướng học sinh đến sự phát triển toàn diện, không chỉ là hoạt động lĩnh hội kiến thức mà còn rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế sinh động, năng lực tự học, kỹ năng sống, tự quản tập thể, bồi dưỡng hứng thú học tập để học tập suốt đời. So với mô hình trường học hiện hành, mô hình trường học mới cấp THCS có một vài điểm khác biệt nổi bật: Hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia các hoạt động học tập, nhất là hoạt động theo nhóm và tự học. Tài liệu hướng dẫn học tập được thiết kế cho học sinh hoạt động, học nhóm, tự học; dùng chung cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với mô hình này, giáo viên duy trì một môi trường học tập cởi mở, thân thiện, đóng vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong tiếp thu kiến thức của học sinh. Mô hình cũng coi trọng việc học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá của phụ huynh. Mỗi lớp thành lập hội đồng tự quản học sinh gồm: chủ tịch hội đồng quản trị; các phó chủ tịch; các ban học tập, đối ngoại, thư viện, văn nghệ - thể dục thể thao, quyền lợi học sinh, vệ sinh môi trường. Ngay từ đầu năm học, để bầu hội đồng tự quản học sinh, các lớp lập danh sách ứng cử (học sinh tự nguyện đăng ký) và danh sách đề cử (được các học sinh khác tín nhiệm giới thiệu). Các ứng viên tham gia ứng cử có thời gian chuẩn bị phần tranh cử của mình. Đây là hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh thấy được sự dân chủ, công bằng, bình đẳng, học cách thuyết trình trước đám đông. Các em có thể nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh trong việc chuẩn bị bài tranh cử. Theo đó, bài tranh cử của học sinh gồm một số nội dung như: Giới thiệu về bản thân; mong muốn của em về lớp học, những việc sẽ làm nếu đạt được chức danh… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội dung chương trình, nhiều giáo viên cho rằng, mô hình trường học mới đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo, đổi mới cách dạy. Cụ thể như bộ môn Văn không có phần bài tập làm văn, trong khi học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, hoặc lên cấp cao hơn có thể được tham gia thi cấp quốc gia, thi tuyển sinh vào lớp 10, phần tập làm văn chiếm đến 70% tổng số điểm. Bên cạnh đó, do chưa có điều kiện thực hiện thí điểm trong toàn tỉnh, hay như nhiều trường chỉ chọn một lớp trong các lớp khối 6, học sinh thí điểm theo chương trình mới trong khi các lớp khác vẫn học chương trình cũ nhưng khi thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào lớp 10 lại chưa có quy định riêng. Mô hình mới cũng không đánh giá, xếp loại học sinh trong khi các lớp khác vẫn đánh giá, xếp loại nên nhiều học sinh và phụ huynh còn lo lắng. Theo phản ánh của một số giáo viên, học nhóm theo mô hình mới có nhiều điều bất lợi, khi số học sinh trong một nhóm từ 5-7 em nhưng có em có ý thức học, biết hợp tác, có em học lực trung bình yếu còn thiếu tập trung, không có sự tương tác trong quá trình học nên việc tiếp thu kiến thức sẽ không được nâng lên. Mặt khác, có giáo viên lên lớp vừa soạn giáo án theo kiểu cũ, vừa phải chuẩn bị nội dung cho mô hình mới, mất nhiều thời gian.
Trong khi dạy mô hình mới này, giáo viên phải thực sự giỏi và năng động, là người biết tổ chức mà không phải giáo viên nào cũng làm tốt vai trò tổ chức của mình. Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, năm học này, Sở GD và ĐT không mở rộng quy mô số trường tham gia mô hình, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD và ĐT trong quản lý, cách đánh giá học sinh, tổ chức hoạt động học cho học sinh như: Xây dựng tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên, tăng bài kiểm tra định kỳ, không vận dụng máy móc 5 hoạt động học cũng như việc bố trí lớp học theo mô hình mới, tổ chức dạy học không nhất thiết theo nhóm...
Trong thời gian tới, để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, các trường cần sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh, học sinh. Được biết, trong quá trình tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện, thử nghiệm xây dựng trường học mới ở bậc THCS, Bộ, Sở GD và ĐT, các dự án, chuyên gia, nhà trường sẽ vào cuộc đồng bộ, cùng nhau xây dựng nội dung, tháo gỡ những khó khăn để chuyển dần hoạt động cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo./.
Bài và ảnh: Hồng Minh