Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

07:11, 16/11/2017

Trong những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã có nhiều giải pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho việc thực hiện phổ cập bậc trung học.

Từ năm học 1990-1991 tỉnh ta đã là một trong 3 tỉnh được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ. Đến năm học 1998-1999, tỉnh tiếp tục là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương và các nhà trường tập trung xây dựng về cơ sở vật chất thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành GD và ĐT tỉnh cũng là một trong hai đơn vị đầu tiên của cả nước được Bộ GD và ĐT tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1996-2000. Ngay trong năm học 1996-1997 tỉnh đã có 2 trường tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và Nam Đào (Nam Trực) được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia. Là một trong những tỉnh được Bộ GD và ĐT chọn thí điểm dạy chương trình tiểu học năm 2000, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã có nhiều đóng góp ý kiến với Bộ để hoàn thiện chương trình sớm đưa vào triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình triển khai thay sách chương trình tiểu học năm 2000, tỉnh tiếp tục được Bộ GD và ĐT chọn xây dựng các tiết dạy chuẩn để ghi hình phát hành trên toàn quốc làm tư liệu phục vụ chương trình đổi mới cấp tiểu học. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã thực sự tạo ra một phong trào dạy và học tích cực, sôi nổi và toàn diện, góp phần giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tổ chức các sân chơi kiến thức… được thuận lợi và đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Năm học 2012-2013, tỉnh ta là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II.

Cô và trò Trường THCS Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.
Cô và trò Trường THCS Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.

Đối với bậc THCS, với những nỗ lực của ngành GD và ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cùng việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tháng 12-2001, Bộ GD và ĐT đã công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS với 96,9% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã duy trì tốt công tác phổ cập với 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS. Riêng năm 2017, số trẻ huy động vào lớp 1 đạt 100%; số trẻ ở độ tuổi huy động vào lớp 6 đạt 100%; số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,9%. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành GD và ĐT tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác phổ cập giáo dục THCS. Triển khai thực hiện tốt ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học, làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề ngoại khóa để tăng khả năng hiểu biết về truyền thống văn hóa địa phương, phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy học đường, giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo môi trường giáo dục thân thiện, thu hút học sinh tới trường. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý và giáo viên trong quản lý, giáo dục học sinh, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng sống khơi dậy tinh thần hiếu học trong học sinh. Đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, gương mẫu và tâm huyết với nghề nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, thực hiện đổi mới sinh hoạt cụm chuyên môn, tổ chuyên môn, tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Đối với các bậc học, ngành cũng phối hợp với các địa phương nhằm tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 648 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ở cấp mầm non có 168 trường đạt chuẩn, cấp tiểu học có 285 trường, cấp THCS có 174 trường và cấp THPT có 21 trường, đáp ứng tốt nhất nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các nhà trường. Ngoài ra toàn tỉnh đã có 354 trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong đó có 61 trường mầm non, 240 trường tiểu học, 51 trường THCS và 2 trường THPT. Hàng trăm phòng học, phòng chức năng ở các bậc học đã và đang tiếp tục được xây dựng. Các cơ sở giáo dục tích cực sử dụng thiết bị dạy học được trang bị và thiết bị tự làm để nâng cao chất lượng giáo dục. Hằng năm, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua, giao đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh, kịp thời động viên, giúp đỡ, vận động học sinh có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng đến trường. Ban giám hiệu các trường đã chỉ đạo và có nhiều biện pháp quản lý học sinh, góp phần duy trì tốt sĩ số và giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, động viên khuyến khích học sinh khuyết tật đến trường, xây dựng môi trường thân thiện trong nhà trường nhằm bảo đảm mục tiêu dạy học hòa nhập học sinh khuyết tật ở từng cấp học. Bên cạnh việc huy động, duy trì sĩ số, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được các Phòng GD và ĐT và các trường chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt. Với chất lượng học sinh giỏi ổn định và vững chắc từ các cấp học dưới nên việc tuyển chọn đội tuyển, bồi dưỡng học sinh giỏi THPT thi quốc gia hằng năm được thực hiện có hiệu quả với thành tích nhiều năm liền đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ và chất lượng học sinh giỏi quốc gia. Bên cạnh đó, chất lượng học sinh đại trà cũng được quan tâm chỉ đạo và từng bước được nâng cao. Công tác phụ đạo học sinh yếu, kém đã được các nhà trường quan tâm thực hiện. Sở GD và ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên bộ môn và triển khai dạy thêm, học thêm theo tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập và đánh giá kết quả thi tuyển sinh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng toàn diện. Công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ được triển khai thường xuyên và hiệu quả. Các Phòng GD và ĐT đã tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn như hội thảo, hội giảng các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ để trao đổi, rút kinh nghiệm và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảng dạy và là dịp để đánh giá việc chỉ đạo đổi mới phương pháp, sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của các Phòng GD và ĐT, các trường học. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chú trọng và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngày càng cao của cấp học.

Với những nỗ lực, cố gắng của ngành GD và ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với công tác phổ cập THCS, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… đến nay, toàn tỉnh đã duy trì tốt công tác phổ cập tiểu học, THCS với 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập./.

Bài và ảnh: Thảo Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com