Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường trung học phổ thông

08:11, 28/11/2017

Hình thành kỹ năng sống (KNS) cho con em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên đang là vấn đề được các bậc cha mẹ, thầy cô và cả xã hội quan tâm. KNS cho học sinh hiểu theo cách đơn giản, gần gũi nhất thì đó là việc trang bị cho các em những kỹ năng học tập, làm chủ bản thân, thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, làm việc… Những kỹ năng “mềm” này càng trở nên quan trọng đối với học sinh THPT giúp các em ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống sau này.

Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) trao đổi các thông tin tư vấn tuyển sinh, sức khỏe giới tính trong chương trình Ngày hội Khi tôi 18 năm 2017 do Tỉnh Đoàn tổ chức.
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) trao đổi các thông tin tư vấn tuyển sinh, sức khỏe giới tính trong chương trình Ngày hội Khi tôi 18 năm 2017 do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Chương trình “Khi tôi 18” là hoạt động giáo dục KNS do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở GD và ĐT tổ chức thường xuyên trong những năm gần đây thu hút đông đảo học sinh các trường THPT, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong chương trình, ĐVTN sẽ được giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật; hỗ trợ, trang bị kiến thức pháp luật, tri thức phổ thông, kỹ năng thực hành xã hội và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, vị thành niên vững vàng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân khi đủ 18 tuổi. Bên cạnh đó, các em còn có dịp trao đổi thẳng thắn với các chuyên gia tâm lý những thắc mắc về giới, tình yêu tuổi học trò, tìm hiểu cách phòng tránh thai ngoài ý muốn… Trên địa bàn tỉnh, một số trường THPT có các chương trình giáo dục KNS “Khi tôi 18” hiệu quả, sáng tạo như: Đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong duy trì hiệu quả hệ thống báo bảng “Tuổi mây”, tổ chức sinh hoạt 18 chuyên mục đầu tuần với các chủ đề đa dạng: ATGT, Ký ức anh hùng, Văn hóa dân gian... Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), Đoàn Trường đã chủ động xây dựng chương trình phát thanh “Tuổi trẻ xung kích vì cuộc sống cộng đồng và tương lai của chính mình” cung cấp những kiến thức định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, đoàn viên; tuyên truyền về các hoạt động tình nguyện ý nghĩa, gương ĐVTN tiêu biểu… cho học sinh trong trường học tập, noi theo.

Hiện nay, ở các trường THPT và các Trung tâm GDTX, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện KNS cho học sinh được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Theo đó, các nhà trường tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những KNS cơ bản. Qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc... để các em có tư duy linh hoạt, phong thái tự tin, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, các trường học còn chủ động phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên, Công an tổ chức các hoạt động, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết, bản lĩnh chính trị vững vàng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường… Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền, mở các lớp đào tạo kỹ năng “mềm” cho ĐVTN như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề với hành vi và thái độ đúng mực, kỹ năng trình bày ý kiến, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tạo thói quen tích cực, kỹ năng tự chăm sóc bản thân… từ đó hình thành được nhân sinh quan, thái độ sống tích cực và hành vi đúng đắn cho ĐVTN, học sinh. Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Cty Giáo dục KNS 4T - Group tiếp dục duy trì các hoạt động làm điểm Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống, KNS và kiến thức pháp luật cho ĐVTN, học sinh tại các trường THPT trên địa bàn. Tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho ĐVTN và đào tạo huấn luyện cán bộ nòng cốt về kỹ năng xã hội cho cán bộ Đoàn trong các trường THPT. Từ năm 2016 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã mở trên 100 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng xã hội, thu hút gần 5.000 ĐVTN tham gia, mở 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho 250 cán bộ Đoàn. Bên cạnh việc giáo dục các kỹ năng mềm, các cấp bộ Đoàn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, đạo đức, sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, các kỹ năng xã hội cho học sinh THPT. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống TNXH, đặc biệt là tệ nạn ma túy trong thanh niên là một trong những nội dung trọng tâm được Đoàn trường triển khai khá hiệu quả. Bằng nhiều loại hình hoạt động phong phú như: tập huấn, thành lập các CLB phòng, chống tệ nạn xã hội, đội thanh niên xung kích tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội… với các hình thức tuyên truyền hấp dẫn như văn hóa, văn nghệ, kịch tương tác, sân khấu hóa, hái hoa dân chủ… giúp trang bị cho ĐVTN những kiến thức, kỹ năng cần thiết  để phòng, chống các tai, TNXH, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính cho ĐVTN. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động giáo dục KNS bổ ích mà tổ chức Đoàn trong các trường THPT tổ chức trong thời gian qua thu hút đông đảo ĐVTN tham gia là tổ chức những buổi nói chuyện truyền thống về tổ chức Đoàn, Đội, về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức cho các em tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức các buổi lao động phù hợp với lứa tuổi như vệ sinh đường làng, ngõ phố, trồng và chăm sóc cây xanh, tham gia chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, giúp đỡ gia đình chính sách… Từ những hoạt động này, học sinh được giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, biết yêu thương chia sẻ với mọi người…

Có thể nói, hoạt động giáo dục KNS cho học sinh các trường THPT thời gian qua đã phát huy được tác dụng tích cực. Cùng với cung cấp kiến thức về văn hóa, thì giáo dục các KNS là một việc làm hết sức cần thiết, giúp học sinh hoàn thiện nhân cách, tự tin, chủ động, xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Tất cả những kỹ năng đó đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách của các em - những chủ nhân tương lai của đất nước./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com