Xây dựng môi trường giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức, thúc đẩy hoạt động tìm hiểu, khám phá của trẻ. Để lôi cuốn trẻ, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đã được các nhà trường trang trí sinh động, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi mầm non.
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trong một giờ học. |
Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, trong đó có 262 trường công lập, 4 trường tư thục với trên 130 nghìn trẻ, 3.891 lớp học. Những năm qua ngành học Giáo dục mầm non tỉnh đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo đảm về vệ sinh, dinh dưỡng và các điều kiện an toàn cho trẻ. Chương trình giáo dục mầm non mới đã được triển khai thực hiện ở tất cả các trường. Hầu hết, giáo viên đã tổ chức các hoạt động giáo dục với nhiều sáng tạo, linh hoạt, tận dụng cơ hội sẵn có, khai thác mạng internet, lựa chọn các thông tin, giáo cụ cần thiết khi tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong đó, trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề được các nhà trường đặc biệt quan tâm bởi ở trường mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện hoạt động và là cách giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình hơn. Việc tạo môi trường lớp học đúng chủ đề vừa đẹp vừa hấp dẫn vừa thực hiện theo mục tiêu giáo dục, mang tính thẩm mỹ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, kích thích cho trẻ tính độc lập, sáng tạo. Khi trang trí, tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học, đội ngũ giáo viên các trường đều căn cứ vào mục tiêu giáo dục của từng chủ đề, đồng thời tận dụng tối đa môi trường xung quanh lớp học, sử dụng khai thác các thiết bị, đồ dùng sẵn có và bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng tự làm. Để tiết kiệm thời gian, khi chuyển chủ đề bài dạy, giáo viên đã linh hoạt lưu lại một số nguyên liệu, sau đó bổ sung, sưu tầm, làm đồ dùng đồ chơi phù hợp với chủ đề mới. Ví dụ như từ chủ đề “Thế giới thực vật” chuyển sang chủ đề “Thế giới động vật”, giáo viên đã lưu giữ tranh mảng tường, tranh chủ đề với một số cây xanh, hàng rào, thảm cỏ… và bổ sung thêm các con vật bằng các vật liệu khác nhau và mô hình chuồng các con vật; hoặc kết hợp với phụ huynh để sưu tầm một số tranh ảnh về các loài động vật, một số thức ăn cho vật nuôi… Trong quá trình dạy học theo chủ đề, ban giám hiệu các nhà trường đã hướng dẫn giáo viên lên kế hoạch cụ thể về thời gian, nội dung tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi vào các thời điểm hợp lý, tránh tình trạng cắt xén giờ học, giờ chơi hoặc làm xáo trộn nền nếp sinh hoạt của trẻ. Vì vậy, phong trào trang trí môi trường giáo dục theo chủ đề đã được các trường hưởng ứng tích cực. Trong đó, nhiều giáo viên đã có cách làm sáng tạo, tiết kiệm được thời gian và nguyên liệu nhưng vẫn tạo cho trẻ sự hứng thú mỗi khi đến trường. Ở nhiều lớp học, việc trang trí môi trường giáo dục cũng đã tạo sự năng động, linh hoạt, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ như cô giáo làm mẫu một vài vật dụng, sau đó cùng làm với cô nhằm khuyến khích trẻ có hứng thú trong công việc. Thực tế, ở các lớp mẫu giáo nhiều trẻ đã tự làm được một số tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi quen thuộc như làm đồ chơi các con vật, cắt dán tạo bức tranh làm bưu thiếp tặng bạn, tặng mẹ… Giáo viên mầm non các trường cũng đã sử dụng các mảng tường và các giá đồ chơi để thiết kế thành những góc hoạt động cho trẻ như: Góc tạo hình, Góc gia đình, Góc nghệ thuật, Góc bán hàng và một số bảng trang trí lớp. Góc hoạt động được thiết kế phù hợp với chiều cao để trẻ có thể dễ dàng lấy, cất và tự ý bày biện đồ chơi theo ý thích của mình. Các góc hoạt động trong lớp còn liên kết mật thiết với nhau; qua mỗi buổi chơi và ở các nhóm chơi khác nhau, trẻ có thể tạo ra nhiều sản phẩm để trưng bày cũng như sử dụng sản phẩm của các bạn khác trong lớp để chơi - học. Chính điều này đã làm cho mỗi buổi chơi - học trở nên phong phú, hấp dẫn và có hiệu quả hơn với trẻ. Việc tạo ra nhiều sản phẩm còn rèn cho trẻ đức tính kiên trì, biết tôn trọng và giữ gìn sản phẩm do chính mình hay người khác tạo ra… Cô giáo Vũ Thúy Mong, giáo viên Trường Mầm non Giao An (Giao Thủy) cho biết: Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo lớn có trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo vô cùng độc đáo. Để khuyến khích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ, tôi đã sử dụng và tận dụng nhiều nguyên vật liệu khác nhau để hướng dẫn trẻ làm đồ dùng đồ chơi phục vụ góc hoạt động trong lớp… Tôi cũng thường trò chuyện để cùng trẻ tưởng tượng ra với những nguyên vật liệu này có thể làm thành những sản phẩm gì… rồi giúp đỡ trẻ hoàn thành được sản phẩm của mình.
Với việc áp dụng phương pháp xây dựng môi trường giáo dục theo chủ đề, hầu hết giáo viên trong các trường đã xác định rõ mục đích, tác dụng của mỗi loại tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi để giúp trẻ tích cực khai thác, tìm tòi, nghĩ ra nhiều cách chơi, đáp ứng việc cung cấp và củng cố kiến thức, kỹ năng. Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp giáo dục trong các nhà trường, để trẻ em đến trường, được chăm sóc và giáo dục toàn diện đã góp phần đưa ngành học liên tục là đơn vị tiên tiến xuất sắc, được Bộ GD và ĐT khen thưởng./.
Bài và ảnh: Hồng Minh