Những năm qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) được Sở GD và ĐT tích cực thực hiện nhằm đánh giá mức độ đạt được về chất lượng giáo dục đối với các nhà trường. Đến nay, ở các bậc học, các nhà trường đã triển khai nghiêm túc việc thực hiện việc tự đánh giá chất lượng theo đúng quy trình từ mã hóa, xử lý, sắp xếp thông tin minh chứng đến tổng hợp báo cáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy và trò Trường THCS Yên Ninh (Ý Yên) trong một giờ học. |
Hằng năm, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các trường học thực hiện nghiêm túc công tác KĐCLGD. Thông qua KĐCLGD, các nhà trường phải thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài. Đây là quá trình cơ sở giáo dục tự xem xét, đối chiếu với các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục - dạy học, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Trên cơ sở sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, ngành đã tập trung cao cho một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác KĐCLGD ở các bậc học như: Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác KĐCLGD ở các đơn vị; tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, công bằng, khách quan trong các kỳ xét, thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá; tổ chức đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục… Các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh đều tổ chức quán triệt nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông và trường mầm non. Qua đó, giúp mỗi cán bộ, giáo viên hiểu rõ sự cần thiết về kiểm định chất lượng đối với nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường. Do có sự chỉ đạo sâu sát, hầu hết các trường học trong tỉnh đều tự đánh giá, xem xét, kiểm tra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và có các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn tập trung xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng, phân loại các đối tượng học, đồng thời quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định chuyên môn trong dạy học, ra đề, chấm chữa bài kiểm tra theo chuẩn kiến thức kỹ năng… đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Để đạt được các kết quả KĐCLGD theo từng cấp độ, các nhà trường dựa trên kết quả đánh giá chặt chẽ của 5 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Các tiêu chuẩn này sẽ được chia làm 36 tiêu chí đối với bậc THCS, THPT, 29 tiêu chí với bậc mầm non, 28 tiêu chí đối với bậc tiểu học. Trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng như: Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường về số lượng, chất lượng và việc đảm bảo các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo, ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh; thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh có học lực yếu, kém... Các cấp độ những trường được đánh giá ngoài đạt được chính là minh chứng cụ thể cho hiện trạng chất lượng giáo dục của trường đó. Đây cũng chính là mục tiêu của công tác KĐCLGD, nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu, chương trình, nội dung hoạt động giáo dục, được đánh giá theo tiêu chuẩn quy định và được công bố công khai để xã hội biết và giám sát các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, từ kết quả KĐCLGD, các cơ sở giáo dục sẽ biết được điểm mạnh, yếu của đơn vị để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy giáo Nguyễn Văn Sử, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết, nhà trường đã được công nhận, được cấp giấy chứng nhận KĐCLGD cấp độ 3. Trong quá trình chuẩn bị để thực hiện đánh giá trong và đề nghị đánh giá ngoài, ban giám hiệu nhà trường đã điều chỉnh được công tác quản lý hành chính theo đúng các quy định hiện hành, thực hiện quản lý văn bản mềm. Nhưng điều quan trọng là trên cơ sở thực hiện các tiêu chuẩn quy định của nội dung KĐCLGD nhà trường sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã coi trọng hơn việc xây dựng và duy trì tốt kỷ cương nề nếp trong dạy và học, coi đó là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó mỗi giáo viên đều nghiêm túc thực hiện nền nếp chuẩn bị bài, soạn giáo án theo quy định. Giáo án thể hiện rõ yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng cho mỗi tiết học, áp dụng những nội dung đã thống nhất về giảm tải của các môn học, thể hiện hoạt động của thầy và trò kết hợp việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động trên lớp, chống dạy chay, các tiết dạy thật sự tự nhiên, nhẹ nhàng, dễ hiểu, tạo được hứng thú đối với học sinh. Nền nếp chuẩn bị bài, soạn giảng theo quy định, thể hiện từ yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng cho mỗi tiết học; trong đó phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đưa các tiết dạy ra ngoài không gian lớp học và tạo điều kiện để giáo viên hưởng ứng cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, vận động giáo viên đăng ký nội dung tự học ở các lĩnh vực: tin học, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học các bộ môn...
Do KĐCLGD là giải pháp quan trọng trong đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục, những năm qua, Sở GD và ĐT đã tích cực triển khai đánh giá ngoài cho các trường học ở các cấp học. Đến nay toàn tỉnh đã có 298 trường được cấp nhận giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó bậc mầm non có 123 trường, bậc tiểu học có 80 trường, bậc THCS có 75 trường, bậc THPT có 14 trường và có 6 trung tâm GDTX đạt chuẩn chất lượng giáo dục.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác KĐCLGD nhưng đến nay KĐCLGD vẫn còn là một vấn đề mới cần được các cơ sở giáo dục quan tâm đúng mức. Bởi, hoạt động tự đánh giá đến nay vẫn chưa trở thành hoạt động thường kỳ, nhiều trường chưa đưa vào kế hoạch năm học. Bên cạnh đó, do khối lượng công việc lớn đòi hòi phải huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia với một thời gian dài, hơn nữa KĐCLGD còn khá đa dạng và phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn… nên nhiều trường còn lúng túng trong công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với sự cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường trong dạy và học, trong công tác đổi mới kiểm tra đánh giá các mặt công tác, cùng sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng vật chất, chăm lo cho GD và ĐT, chất lượng GD và ĐT của tỉnh sẽ ngày càng vững chắc với nhiều đơn vị giáo dục được đánh giá đạt cấp độ cao trong KĐCLGD./.
Bài và ảnh: Hồng Minh