Với chủ đề là “Đổi mới - cải thiện cuộc sống”, Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2017 đã đưa ra thông điệp nhằm tăng cường hiểu biết về SHTT cho cộng đồng và nhấn mạnh nhiệm vụ tìm hiểu về vai trò của quyền SHTT trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Hưởng ứng Ngày SHTT thế giới là dịp để các cơ quan Nhà nước tăng cường phát huy vai trò quản lý, thúc đẩy mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của SHTT trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội hiện đại.
Giải pháp máy ủ mầm đa năng của học sinh Trường THCS Hải Nam (Hải Hậu) sáng tạo thay thế cách ngâm ủ truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Hưởng ứng Ngày SHTT thế giới năm 2017, tỉnh ta đã có nhiều chương trình, hành động nhằm tôn vinh những sáng tạo trong mọi lĩnh vực và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT trong khối doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong đó, các sở, ngành chức năng như: KH và CN, Công thương, GD và ĐT, NN và PTNT đã phát động và phối hợp tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng tạo ở mọi lứa tuổi như: sáng tạo khoa học kỹ thuật cho cán bộ, CNVCLĐ; sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng dành cho lứa tuổi từ 6-19 và sáng tạo trong học sinh THPT. Các ngành tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề về SHTT với các doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về các chủ đề liên quan đến SHTT, sáng tạo và sáng kiến, cách thức thúc đẩy và bảo hộ các hoạt động này có sự tham gia của giới sáng tạo cũng như các cơ quan quản lý về SHTT ở địa phương. Đặc biệt, đã thành thông lệ, thời gian gần đây, các ngành: KH và CN, GD và ĐT, LĐLĐ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã tập trung phối hợp khuyến khích mọi thành phần trong xã hội đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp hữu ích để đổi mới cách giải quyết công việc hằng ngày và cải tiến hợp lý hóa lao động sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và những hiệu quả kinh tế - xã hội khác. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động đổi mới được phát minh, áp dụng hiệu quả vào thực tế cuộc sống, lao động và học tập ở tất cả các lĩnh vực. Đi đầu trong hoạt động “Đổi mới - cải thiện cuộc sống” là những cán bộ công nhân viên chức thuộc ngành GD và ĐT và khối các doanh nghiệp. Trong đó, ngành GD và ĐT, nhiệm vụ đổi mới - cải thiện cuộc sống được các giáo viên và học sinh hưởng ứng tích cực và coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục. Do đó hằng năm, ngành GD và ĐT không chỉ khuyến khích, giao chỉ tiêu tìm kiếm giải pháp sáng tạo phục vụ công việc giảng dạy, học tập, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày mà còn thiết kế những ý tưởng sáng tạo của cả thầy và trò tham dự các giải thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh và sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong năm học vừa qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã có khoảng 5.000 sáng kiến đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy và hàng chục giải pháp khoa học kết hợp kiến thức liên môn trong chương trình học để áp dụng vào thực tiễn, giải quyết những khó khăn bất cập trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Tiêu biểu như trong lĩnh vực quản lý giáo dục có các giải pháp: Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của hệ thống các trường THPT, trung tâm GDTX đáp ứng công tác phân luồng học sinh trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT của tác giả Đỗ Anh Xô (Sở GD và ĐT); Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên trung học theo chuẩn nghề nghiệp tỉnh Nam Định của tác giả Đỗ Anh Tuấn (Sở GD và ĐT); Tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo giải quyết xung đột giữa các nhóm học sinh cá biệt ở Trường THCS Lý Tự Trọng của tác giả Nguyễn Duy Đức, Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Nam Định)… Các giáo viên trực tiếp giảng dạy không ngừng nghiên cứu đổi mới cách truyền thụ kiến thức cho học sinh để nâng cao kết quả giảng dạy. Tiêu biểu như sáng kiến: Quản lý nhằm bồi dưỡng phát huy năng lực tự học của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ của tác giả Vũ Thị Thêu, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định); Kỹ thuật sử dụng bất đẳng thức Cosi trong chứng minh bất đẳng thức và tìm cực trị đại số của tác giả Tô Thị Bình, Trường THCS Giao Thủy (Giao Thủy); Học và chơi cùng tiếng Pháp của tác giả Nguyễn Thị Tường Vân, Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định). Song song với sự nỗ lực sáng tạo của các thầy cô giáo, các học sinh cũng thể hiện khả năng sáng tạo trong việc áp dụng những kiến thức đã được học ở trường để giải quyết những vướng mắc khó khăn trong cuộc sống lao động, học tập hằng ngày. Trong đó giải pháp “Thiết bị ủ hạt mầm đa năng” của tác giả Mai Gia Hưng, Trường THCS Hải Nam (Hải Hậu) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhanh chóng được áp dụng rộng rãi tại địa phương. Hay như giải pháp “Máy cán cói an toàn tiện ích” của tác giả Nguyễn Hương Quỳnh, Trường THCS Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) ngay khi hoạt động thử nghiệm đã được người sản xuất cói đánh giá cao vì mang lại hiệu quả kinh tế cao và ứng dụng rộng rãi trong làng nghề đan cói của xã… Kết quả của việc đổi mới, sáng tạo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, của ngành giáo dục nói riêng và cộng đồng nói chung.
Ngoài lĩnh vực giáo dục, khối các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực cũng có nhiều đổi mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu suất lao động. Trong đó các giải pháp: “Nâng cao tỷ lệ sống cho ba ba con sau khi nở bằng cách sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống” của tác giả Hoàng Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT); “Nuôi vỗ lại ngao bố mẹ cho sinh sản lần 2” của tác giả Nguyễn Văn Tuyển, Trung tâm Giống hải sản Nam Định… là những nghiên cứu cơ bản đổi mới sản xuất nông nghiệp truyền thống từ những việc rất nhỏ.
Đổi mới là năng lực không giới hạn của con người. Với quan điểm sáng tạo, đổi mới hằng ngày để tạo ra những điều mới mẻ khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn lao động sáng tạo và nỗ lực đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi con người và cả cộng đồng. Để tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, tư duy sáng tạo trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành KH và CN cùng các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về SHTT và tạo điều kiện cho các tác giả có điều kiện về thời gian, vật chất để tư duy sáng tạo. Hỗ trợ khích lệ đổi mới bằng cách thu hút đầu tư phát triển các ý tưởng, trao thưởng cho các nhà sáng tạo và đảm bảo rằng những tri thức mới của họ sẽ được bảo vệ, phổ biến cho cộng đồng. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ việc đăng ký bảo vệ bản quyền SHTT, tránh phát sinh tranh chấp thương mại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương