Trong nền kinh tế thị trường, việc xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư kinh phí, trí tuệ phát triển các cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các nhà trường.
Cuộc vận động xã hội hóa giáo dục được các nhà trường coi trọng và ngày càng phát huy hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh. Hiện, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng ở khắp các thôn, làng, dòng họ, chùa chiền, xứ, họ đạo, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, góp phần chăm lo cho sự nghiệp “trồng người’’. Trong 10 năm (2006-2016), Hội Khuyến học các cấp đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ Khuyến học khuyến tài trên 244 tỷ đồng; tổ chức khen thưởng, cấp học bổng, tặng xe đạp, máy vi tính, xe lăn, xây nhà khuyến học, hỗ trợ học nghề cho học sinh với tổng số tiền 128,4 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Khuyến học Lương Thế Vinh, Quỹ học bổng Lá Xanh, Quỹ học bổng Châu Á, Quỹ học bổng Vũ Đình Liệu đã hoạt động hiệu quả và tạo được uy tín cao trong cộng đồng… Bên cạnh các Quỹ Khuyến học, khuyến tài do các cấp hội quản lý, ở các địa phương cũng đã hình thành nhiều hình thức khuyến học thiết thực tại các dòng họ, tổ dân phố, làng, xóm, nhà chùa, xứ đạo, họ đạo, các nhóm hội cha mẹ học sinh, hội đồng hương nhằm giúp đỡ học sinh là con các gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam… Hiện toàn tỉnh có 46/229 xã, phường, thị trấn có số dư Quỹ Khuyến học từ 100 triệu đồng đến trên 3 tỷ đồng, 42 dòng họ có Quỹ Khuyến học, khuyến tài từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng… Bên cạnh đó, sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường với gia đình và các đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên, hiệu quả, cũng đã tạo môi trường giáo dục thống nhất, lành mạnh cho học sinh và tăng cường cơ sở vật chất trường học.
Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học xã Nam Dương (Nam Trực) khánh thành đưa vào sử dụng công trình 15 phòng học cao tầng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. |
Từ công tác xã hội hóa giáo dục, cô và trò Trường Mầm non Hải Long (Hải Hậu) đã được giảng dạy và học tập trong ngôi trường kiên cố, khang trang trị giá 450 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình ủng hộ, đóng góp cả về sức người và sức của của nhân dân, khu A của trường tiếp tục được đầu tư xây dựng với kinh phí 2,8 tỷ đồng. Hội phụ huynh nhà trường còn tích cực vận động đóng góp 150 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho cô và trò. Thành công trong công tác xã hội hóa giáo dục đã tạo đà cho nhà trường ngày một phát triển, trở thành trường điểm về chất lượng giáo dục mầm non của huyện và của tỉnh. Xã Hải Lý (Hải Hậu) là địa phương có truyền thống hiếu học nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy công trình Trường Tiểu học xã Hải Lý được Tổng Cty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam tài trợ với kinh phí 3,5 tỷ đồng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm học vừa qua với dãy nhà 3 tầng, 9 phòng học đạt chuẩn quốc gia là một món quà vô cùng ý nghĩa đối với thầy và trò nhà trường và nhân dân trong xã. Cũng trong năm học vừa qua, Trường Tiểu học Trực Đạo (Trực Ninh) đã được tiếp nhận công trình có tổng diện tích sử dụng là 523m2 bao gồm khu nhà lớp học có quy mô 2 tầng, 8 phòng học với đủ trang thiết bị, dụng cụ học tập cần thiết cho các em học sinh, tổng giá trị là 6,5 tỷ đồng do Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tài trợ. Xã Nam Dương (Nam Trực) là địa phương thuần nông, ngân sách và khả năng đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng của nhân dân còn hạn chế. Bước vào năm học mới 2016-2017 nhà trường được tiếp nhận công trình gồm 15 phòng học cao tầng, có mức đầu tư hơn 7,7 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ 7,6 tỷ đồng. Trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017, Trường THCS Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) được Ngân hàng Agribank Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Định bàn giao công trình nhà cao tầng 18 phòng học và các công trình phụ trợ với kinh phí tài trợ xây dựng 10 tỷ đồng. Các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ học tập cần thiết đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện cho học sinh. Bên cạnh đó, xã Nghĩa Tân và hội phụ huynh học sinh đã hỗ trợ kinh phí, tự nguyện đóng góp thêm gần 1 tỷ đồng để trồng cây bóng mát, trang trí khuôn viên nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, từ ngân sách của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thông qua sự đóng góp của các đơn vị, các nhà hảo tâm và huy động của nhân dân, nhiều ngôi trường kiên cố được xây dựng. Ở các huyện, thành phố, trong vài năm gần đây, số kinh phí huy động để xây dựng, kiên cố hóa trường lớp từ các nguồn lực đã lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó 50% do nhân dân đóng góp. Các xã Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Hồng, Đồng Sơn, Nam Thái, Nam Hải… (Nam Trực) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, dành hàng nghìn ha đất để xây dựng trường, lớp học. Nhiều người con của quê hương đi lập nghiệp ở nơi xa đã gửi tiền về mua sắm trang thiết bị để con em được học hành đầy đủ. Nghĩa cử đó là nguồn động viên, khích lệ các thế hệ học sinh học tập, rèn luyện. Các lớp học được kiên cố hóa, được đầu tư hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục ở nhiều địa phương do cách làm qua loa hoặc không phù hợp trong điều kiện cụ thể nên đã xảy ra việc phụ huynh đóng góp hoặc nộp tiền trong tình trạng ấm ức, chưa “tâm phục, khẩu phục”. Tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định, sau khi được thông báo số tiền quỹ lớp cần phải đóng góp trong năm học mới, một số phụ huynh đã than phiền về mức thu quá cao, trong đó khoản thu quỹ hội phụ huynh, quỹ hội trường, quỹ hội khuyến học được thu - chi không rõ ràng, chưa kể khoản tiền không nhỏ đóng góp để lắp điều hòa và xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp. Việc chưa đồng tình của phụ huynh là do khi bị thu tiền không có sự bàn bạc, thống nhất từ trước của ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường. Có thể thấy, sau mỗi kỳ họp phụ huynh đầu năm học lại xuất hiện những ý kiến trái chiều trong dư luận nhân dân về các khoản thu trong nhà trường… Nguyên nhân do việc thảo luận nộp các khoản thu tại các cuộc họp phụ huynh thường diễn ra theo kiểu áp đặt của ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, thậm chí là của giáo viên chủ nhiệm, khi đã đưa ra khoản đóng góp rồi mới xin ý kiến hoặc không cần xin ý kiến phụ huynh vì “đã có chi hội đồng ý’’. Thực tế, những khoản đóng góp quỹ là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc và cha mẹ học sinh có quyền từ chối đóng góp nếu thấy không hợp lý về các khoản thu nếu ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp yêu cầu mà không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện. Nhưng, với tâm lý để khỏi phiền hà và ngại đưa ra ý kiến phản đối, sợ con mình bị ảnh hưởng nên phần lớn cha mẹ vẫn phải chấp nhận đóng góp “cho xong”. Do đó, ngoài nguyên tắc tự nguyện thì các trường, lớp cần thực hiện công khai, dân chủ các khoản thu, chi quỹ trường, quỹ lớp, trong đó có đóng góp xã hội hóa và sử dụng hợp lý, đúng mục đích thì sẽ không trở thành gánh nặng cho gia đình học sinh, xã hội hóa giáo dục sẽ trở thành một chủ trương đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội./.
Bài và ảnh: Hồng Minh