Đến khu di tích cách mạng phố Hàng Thao, phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), chúng tôi được chứng kiến buổi giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên do BCH Đoàn phường tổ chức. Đồng chí Bùi Thị Nhung, Bí thư Đoàn phường trực tiếp thuyết minh, kể lại tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra những mất mát, đau thương cho Thành phố Nam Định trong những năm tháng chiến tranh. Tại nơi đây, sáng ngày 14-4-1966, giặc Mỹ ném bom xuống phố Hàng Thao giết hại 77 người, làm 135 người bị thương, 240 nhà bị sập đổ, hư hại. Tội ác tày trời của đế quốc Mỹ đã khắc sâu lòng căm thù của nhân dân Thành phố Nam Định và đồng bào cả nước cùng nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Tấm bia căm thù ở khu di tích ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ, nhắc nhở mọi thế hệ mai sau quyết tâm chiến đấu để giữ gìn độc lập tự do. Em Trần Thảo Vi, đoàn viên thuộc Chi đoàn tổ dân phố 13 cho biết: “Em và các bạn đoàn viên rất tự hào về ý chí kiên cường của quân và dân ta không khuất phục trước “mưa bom bão đạn” của kẻ thù. Em mong muốn Đoàn Thanh niên phường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tham quan các di tích lịch sử - văn hóa để giáo dục truyền thống lịch sử cho chúng em. Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập tốt, là con ngoan, trò giỏi để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương”.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 328 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Trần - Chùa Tháp), 81 di tích cấp quốc gia, 246 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL, Sở GD và ĐT đã phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Ngoài các hoạt động tại chỗ, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đến tham quan các nhà truyền thống, nhà lưu niệm, khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ở những nơi học sinh đến tham quan, cán bộ Bảo tàng tỉnh trực tiếp giới thiệu các tư liệu lịch sử ở các di tích. Tại Thành phố Nam Định, một số trường đã tổ chức thí điểm cho học sinh tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa như: Di tích Cột Cờ Nam Định, Chùa Keo Hành Thiện xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định)… Qua mỗi lần tham quan, một số trường học cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Huyện Nam Trực hiện có trên 30 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Tại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thôn Dương A, xã Nam Thắng, vào những ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã đều tổ chức dâng hương tại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Đền Cổ Da, làng Xuân Lôi, xã Nam Hùng thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Trung tâm GDTX số 2 của huyện hiện được huyện Nam Trực đổi thành Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu. Việc quan tâm khai thác, phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân ở Nam Trực đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương. Hiện nay, huyện Nam Trực là một trong những địa phương tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Tại huyện Hải Hậu, từ nhiều năm nay các trường học trên địa bàn huyện đã phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, các nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc... Tại huyện Nghĩa Hưng, Phòng GD và ĐT đã ký chương trình phối hợp với Phòng VH-TT huyện về chủ đề nếp sống văn minh học đường trong trường học. Theo đó các trường đều đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Tiêu biểu như các trường THCS: Nghĩa Phú, Hoàng Nam, Nghĩa Thịnh… Mỗi tháng học sinh Trường THCS Nghĩa Phú đều thực hiện tổng vệ sinh trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa đền Bình Hải. Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên tổ chức giới thiệu cho học sinh hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Ngoài ra, hằng năm Đội TNTP Hồ Chí Minh nhà trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ để cùng địa phương tôn tạo di tích. Tại khu di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Hưng Thịnh, hằng năm Trường THCS Hoàng Nam tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích để các em nắm rõ về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú; tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội; phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền, chùa…
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua việc tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh./.
Bài và ảnh: Viết Dư