Từ ngày 2-10 đến ngày 8-10, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2015 với chủ đề: “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”. Đây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh đối với việc hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Học sinh Trường THCS Hải Thanh (Hải Hậu) đọc sách trong thư viện nhà trường. Ảnh: Viết Dư |
Hiện nay, cùng với phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống thư viện trong các nhà trường đã được quan tâm đầu tư, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu của giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của mỗi nhà trường. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường THPT đã được đầu tư thư viện điện tử hiện đại. Những năm qua, Sở GD và ĐT đã cung ứng cho các thư viện các nhà trường các loại tạp chí với số lượng trên 22.200 bản, cung ứng hàng triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh trị giá hàng tỷ đồng. Các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành phục vụ hữu ích nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh. Cùng với việc xây dựng tủ sách dùng chung, mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho, mượn đối với học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ở cấp tiểu học, mô hình “thư viện thân thiện’’, “thư viện xanh’’ được nhiều trường áp dụng đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống thư viện trường học hiện nay vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với giáo viên và học sinh. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, các trang thiết bị thư viện phần lớn còn lạc hậu; số lượng, chủng loại sách nghèo nàn, trong khi sách tham khảo chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nâng cao kiến thức cho học sinh và giáo viên còn quá ít. Ở nhiều thư viện trường học, hệ thống tủ sách, giá sách, bàn ghế, ánh sáng chưa đồng bộ, nhiều phòng đọc còn được tận dụng để làm nơi cất giữ đồ dùng thiết bị dạy học. Có thư viện dù đã đạt chuẩn quốc gia nhưng việc bố trí, sắp xếp sách, tạp chí, tài liệu nâng cao, tài liệu tham khảo… chưa hợp lý, không thuận tiện cho việc tìm đọc. Nhiều giáo viên đến thư viện nhà trường chỉ để soạn bài, chấm bài và nhiều người cũng thẳng thắn cho rằng, những loại sách phục vụ cho việc bổ sung kiến thức chuyên môn rất ít. Về phía học sinh, có em chưa một lần đến thư viện nhà trường bởi thời gian học chính khóa, thời gian học thêm đã chiếm hầu hết thời gian. Mặt khác, học sinh hiện nay phần lớn không thích đọc sách bởi thời kỳ bùng nổ thông tin, các em có thể khai thác tài liệu qua nhiều kênh thông tin, nhiều phương tiện giải trí như: truyền hình, mạng internet… Một nguyên nhân khiến thư viện không thu hút được nhiều giáo viên, học sinh là do hạn chế của đội ngũ thủ thư. Hiện nay nhiều trường vẫn chưa tuyển được cán bộ thư viện chuyên trách mà bố trí giáo viên kiêm nhiệm, nên việc đầu tư cho thư viện hạn chế, chất lượng hiệu quả không cao, hoạt động thư viện còn mang tính hình thức… Để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trường học, một số trường học đã nâng cao ý thức và rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, đồng thời quan tâm hơn đến việc đầu tư sách hay, tài liệu hợp lý, thiết thực, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đọc và mượn sách ở thư viện.
Năm 2015, với chủ đề của Tuần lễ học tập suốt đời là “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong các cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn nội dung các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ học tập suốt đời cho phù hợp theo gợi ý một số hoạt động của Bộ, Sở GD và ĐT như: Xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc. Đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: Luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn, giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giới thiệu về sách, khuyến khích học sinh đọc sách, xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện. Tổ chức ngày hội đọc sách hằng năm với những hoạt động như: thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu,... dựa theo sách đã đọc. Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu sách để có kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy đáp ứng theo mục tiêu dạy học. Các trung tâm học tập cộng đồng, NVH, CLB,... tổ chức hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách đọc sách và kể chuyện cho trẻ. Các cơ sở giáo dục tổ chức thảo luận, trao đổi với phụ huynh, học sinh thống nhất quy định về thời gian học sinh đọc sách tại thư viện trường, ở nhà và số lượng đầu sách đọc trong năm và thống nhất với cha mẹ học sinh về việc cùng tham gia đọc sách với con. Để hoạt động của “Tuần lễ học tập suốt đời” năm 2015 đạt hiệu quả thiết thực, bên cạnh các hoạt động bề nổi, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, mọi người dân trong quá trình xây dựng phong trào với những phương pháp tổ chức, triển khai phù hợp với từng địa phương, từng nhà trường; trong đó có việc phát động rộng rãi phong trào quyên góp sách và phát triển thư viện nhà trường. Sở GD và ĐT cũng yêu cầu các Phòng GD và ĐT tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hoạt động của thư viện trường học gắn với việc học sinh thường xuyên đọc sách./.
Hồng Minh