Ngành Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

08:10, 24/10/2015

Trong những năm qua, mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp ở tỉnh ta phát triển nhanh, cân đối và đúng hướng, góp phần tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội trong quá trình CNH-HĐH.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 38 cơ sở dạy nghề. Trong đó đào tạo trình độ đại học có 35 ngành nghề thuộc 4 trường đại học; đào tạo trình độ cao đẳng có 80 ngành nghề, đào tạo trình độ TCCN có 38 ngành nghề; lưu lượng học sinh, sinh viên hằng năm có khoảng 50 nghìn em. Trong 3 năm qua (2012-2014), các cơ sở dạy nghề đã mở được 900 lớp dạy nghề cho 25.500 lao động nông thôn. Hiện tại các nghề do các cơ sở đào tạo cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trình độ sơ cấp đào tạo có 24 nghề, mỗi năm đào tạo được 19 nghìn người, gồm các nghề: cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; điện nước dân dụng; kỹ thuật điêu khắc gỗ; may, mây tre đan, lái xe ô tô, thêu ren, sửa chữa thiết bị may, trồng nấm, nuôi trồng thuỷ sản, sửa chữa động cơ, dệt khăn, thú y... Hằng năm có khoảng 17 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đi làm việc ở khắp mọi miền đất nước. Để đạt được kết quả đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của ngành GD và ĐT, những năm qua các đơn vị đào tạo đã không ngừng chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các trường đại học, các trường cao đẳng đã có khuôn viên với diện tích đất sử dụng đang được mở rộng, nhiều công trình được xây dựng nhằm bảo đảm định mức quy định và đều có phòng vi tính cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học công nghệ thông tin. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các trường đại học, cao đẳng, TCCN chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó rà soát, hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cải tiến đổi mới giáo trình, bổ sung thêm nhiều đầu sách cho thư viện, tăng thời lượng thực hành, đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chuẩn đầu ra. Thời gian dành cho kỹ năng thực hành với một số chuyên ngành đã tăng từ 35-45% lên 50-70% thời lượng chương trình đào tạo. Tiêu biểu như Trường Trung cấp Cơ điện là một trong những địa chỉ học nghề tin cậy, nguồn lao động qua đào tạo được các đơn vị, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhà trường hiện có hơn 10 ngành nghề đào tạo, trong đó có 2 ngành đào tạo mới gồm quản trị mạng và kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính. Với hơn 30  phòng thực hành được trang bị nhiều thiết bị, máy móc phù hợp theo từng ngành học như máy hàn một chiều, máy hàn xoay chiều, máy chiếu, máy thùa khuy takinh…, tạo điều kiện cho học sinh học lý thuyết gắn với thực hành. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tư vấn, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề, bậc đào tạo phù hợp với nhu cầu, năng lực của mỗi người, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh được học nghề thứ hai để có thể đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Trong thời gian thực tập tốt nghiệp, học sinh được nhà trường liên hệ, giới thiệu tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh để từng bước tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại, rèn luyện tác phong công nghiệp. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi đạt trên 50%. Nhiều học sinh của trường đã tham gia và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề của tỉnh, học sinh giỏi nghề ASEAN. Để học sinh của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã chủ động liên kết với hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, dệt may của tỉnh và một số tỉnh trong cả nước để giới thiệu việc làm cho học sinh khi ra trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay và thu nhập ổn định hằng năm đạt trên 90%.

Học sinh Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong một giờ thực hành.
Học sinh Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong một giờ thực hành.

Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XVIII về “Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao” đã xác định, đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, xây dựng một số khoa hoặc 2-3 trường đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng của tỉnh đạt tương đương các trường có uy tín cùng trình độ đào tạo ở trong nước. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, những năm qua, việc đầu tư chiến lược cho hệ thống giáo dục chuyên nghiệp dạy nghề trên địa bàn tỉnh được quan tâm nhằm bảo đảm yêu cầu đủ ngành nghề đào tạo, và tập trung đầu tư bảo đảm năng lực đào tạo theo yêu cầu chất lượng cao. Các trường đại học của tỉnh với chức năng đào tạo đa ngành, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh mà còn đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đối với các trường cao đẳng, tỉnh đã có chủ trương nâng cấp Trường Trung cấp Kinh tế, Kỹ thuật Nam Định; Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định thành trường cao đẳng, có nhiệm vụ đào tạo lao động có trình độ cao đẳng cung cấp cho cả vùng, hoặc sáp nhập một số đơn vị nhằm xây dựng thành trường cao đẳng cộng đồng (cao đẳng đa ngành). Xây dựng khu đào tạo tập trung, tăng cường cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo đã có kể cả Trung ương và địa phương. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là cán bộ, giáo viên các trường cao đẳng và TCCN. Đối với hệ thống dạy nghề, tỉnh đã có 7 trường trung cấp, cao đẳng nghề được lựa chọn nghề trọng điểm đầu tư giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 theo Quyết định 826 của Bộ LĐ-TB và XH bao gồm: Trường Trung cấp nghề số 8, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định, Trường Trung cấp nghề số 20 Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải, Trường Cao đẳng nghề Nam Định. Đây là cơ hội để các trường được đầu tư tăng năng lực theo yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đề ra đòi hỏi các trường cần cân đối và sắp xếp hợp lý mạng lưới các trường đào tạo trong khu vực, tập trung cho tỉnh hệ thống các trường có chức năng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cả vùng, đồng thời quy định cụ thể hơn nhiệm vụ và chức năng quản lý Nhà nước của UBND tỉnh đối với các đơn vị đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn. Hỗ trợ ngân sách cho phát triển đào tạo của tỉnh nhất là cho xây dựng những cơ sở đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của vùng. Mở rộng địa bàn tuyển sinh cho các trường cao đẳng và TCCN của tỉnh và có chính sách khuyến khích đầu tư, khai thác các nguồn lực, thu hút nhân lực có trình độ cao để phát triển đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung trong tuyển sinh vào một số trường cao đẳng, TCCN cũng đòi hỏi ngành GD và ĐT cần tăng cường hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện tốt việc tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, học nghề theo hướng học văn hóa kết hợp với học nghề, song song với xây dựng và hoàn chỉnh chương trình các môn văn hóa theo hướng tích hợp và chuẩn hóa hoặc liên kết với các trung tâm GDTX để vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề cho các em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, công tác tổ chức quá trình đào tạo và chủ động phối hợp với ngành chủ quản và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tìm mọi giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với thực tế sản xuất. Tích cực mở rộng liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học để đưa học sinh đến thực hành, thực tập, tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện, trải nghiệm thực tế. Đồng thời cần đầu tư tốt hơn vào trang thiết bị dạy nghề và đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao tay nghề, trình độ giáo viên… nhằm thu hút ngày càng đông học sinh vào học và đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao theo yêu cầu của xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com