Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao

08:09, 12/09/2015

Tháng 7-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao”. Qua 4 năm thực hiện nghị quyết, cùng với việc xây dựng hệ thống các trường chất lượng cao ở các cấp học, bước đầu đã tạo được sự đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, góp phần vào thành tích chung của ngành GD và ĐT.

Thầy và trò Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), một trong 5 trường THPT xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh trong một giờ thực hành môn Vật lý.
Thầy và trò Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), một trong 5 trường THPT xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh trong một giờ thực hành môn Vật lý.

Triển khai thực hiện nghị quyết, ngay từ năm học 2011-2012, Sở GD và ĐT đã rà soát, đánh giá chất lượng toàn diện hệ thống trường học trong toàn tỉnh, chọn 17 trường bao gồm 5 trường THPT, 10 trường THCS và hai trường tiểu học để xây dựng trường chất lượng cao. Các trường được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đều thực hiện tuyển sinh theo quy chế riêng, bảo đảm “đầu vào” là những học sinh có năng lực, đạo đức tốt. Theo đó, học sinh đăng ký thi vào lớp 10 của các trường THPT chất lượng cao phải đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt. Các trường THCS, tiểu học tuyển sinh theo hình thức xét hồ sơ, trong đó, học sinh tốt nghiệp tiểu học nộp đơn vào học tại các trường THCS chất lượng cao phải có học lực loại khá, giỏi và tham gia khảo sát ở hai môn Văn và Toán, nhà trường sẽ tuyển học sinh theo độ dốc từ kết quả khảo sát để vào trường. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, tạo nguồn cho các cơ sở giáo dục chất lượng cao và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và ĐT. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT phối hợp với các phòng GD và ĐT tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng về phẩm chất chính trị cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục xây dựng chất lượng cao. Qua các lớp bồi dưỡng, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp loại xuất sắc cấp tiểu học đạt 90%, cấp THCS đạt 60% (đánh giá chung giáo viên THCS toàn tỉnh loại xuất sắc là 42,55%), cấp THPT đạt 65,31% (đánh giá chung giáo viên THPT loại xuất sắc là 47,69%). Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn về đào tạo cấp tiểu học đạt 100% (trong đó trên chuẩn trình độ đại học chiếm 63,4%), cấp THCS từ 72,5% lên 79,7%, cấp THPT từ 3,2% lên 11,2%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường đều có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, được đào tạo qua các lớp quản lý giáo dục, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Sở GD và ĐT cũng đã làm tốt công tác luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó giao cho các trường chất lượng cao tổ chức tuyên truyền phổ biến tới toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nắm được mục đích, đối tượng luân chuyển, tạo được sự đồng thuận, góp phần giữ vững khối đoàn kết trong nhà trường, phát huy sự năng động, sáng tạo trong công tác quản lý và giảng dạy, xóa bỏ hiện tượng trì trệ, bảo thủ của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên phát huy tốt năng lực công tác của mình. Trong 4 năm qua, Sở GD và ĐT và các huyện, thành phố đã điều động 95 giáo viên giỏi và 4 cán bộ quản lý có trình độ đến các trường chất lượng cao, đồng thời điều chuyển 25 giáo viên, 3 cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đến các trường khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường chất lượng cao cũng được quan tâm đúng mức. Ngành GD và ĐT, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây mới 53 phòng học, 15 phòng chức năng, 18 phòng bộ môn, 46 phòng nội trú cho học sinh, 6 nhà đa năng và 11 nhà công vụ cho giáo viên, bước đầu đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; mua sắm trang thiết bị phù hợp, đồng bộ, đủ phòng học, cơ bản đủ diện tích theo quy định của Bộ GD và ĐT, đáp ứng được yêu cầu dạy - học của cơ sở giáo dục chất lượng cao. Các trường chất lượng cao còn làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, các cựu học sinh, hội cha mẹ học sinh của trường... giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục học sinh; đồng thời hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của thầy và trò nhà trường như: sửa chữa hệ thống nhà để xe cho học sinh, trang bị hệ thống âm thanh tới từng lớp học, tăng cường máy chiếu, máy tính... với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, 100% các trường chất lượng cao đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học, chỉ đạo mỗi bộ môn có kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học, mỗi giáo viên trong một năm học thực hiện được ít nhất một đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tổ chức các hoạt động dạy học phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh, coi trọng thực hành thí nghiệm, hài hoà giữa truyền thụ kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, bước đầu các nhà trường đã chuyển việc dạy học trong phòng học sang việc dạy học theo di sản, di tích, nhà bảo tàng… tăng cường lồng ghép giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, pháp luật với các hoạt động xã hội, văn hóa thể thao phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu giáo dục toàn diện. Ngành cũng đã bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho 100% giáo viên trung học môn Tiếng Anh và Tin học, chủ động rèn các kỹ năng thực hành đối với môn Tin học và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với môn Tiếng Anh thông qua việc giao tiếp với người nước ngoài, tổ chức CLB, thi hùng biện tiếng Anh, qua internet… 100% các trường chất lượng cao đều quan tâm đến công tác giáo dục thể chất cho học sinh, tuyển chọn những học sinh có năng khiếu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi TDTT và thực hiện tuyển sinh vào trường theo quy chế riêng. Do thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng trường chất lượng cao, đến nay chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt ở các nhà trường đạt từ 99,6% đến 100%. Chất lượng học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng, đạt từ gần 80% đến 99,99% ở từng bậc học. Các trường THPT đều có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp, thi đỗ đại học cao, trong đó có trường tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bằng giỏi đạt 10%, bằng khá đạt trên 50%. Các trường THPT chất lượng cao đều nằm trong tốp 150 trường có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc, nhiều học sinh đạt kết quả cao trong cả 2 khối thi. Hầu hết các trường trung học chất lượng cao luôn đạt hầu hết các giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh. Nhiều trường trung học đã đạt giải cao trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống trong thực tiễn, cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Sở GD và ĐT tổ chức… Tuy chưa có học sinh được tuyển chọn tham dự đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia nhưng trong năm học vừa qua đã có 13 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và là nguồn để lựa chọn học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia trong những năm tiếp theo.

Qua 4 năm học thực hiện nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở GD và ĐT có chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp học tập tại các nhà trường, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới GD và ĐT của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của các học sinh trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com