Nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong đánh giá học sinh tiểu học

08:10, 29/10/2014

Từ việc áp dụng không chấm điểm, tăng cường nhận xét đối với học sinh lớp 1 thực hiện từ năm học trước, mới đây, Bộ GD và ĐT ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó từ ngày 15-10-2014, bậc học tiểu học sẽ đổi mới đánh giá theo hướng này.

Các em học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định) trong một giờ học.
Các em học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định) trong một giờ học.

Theo Bộ GD và ĐT, đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Mục đích đánh giá nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Để chuẩn bị cho đánh giá theo quy định mới, các phòng GD và ĐT trong tỉnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học. Nhiều trường đã tổ chức các buổi thảo luận về cách tổ chức lớp, cách nhận xét ngắn gọn, hiệu quả, cách nhận xét học sinh theo tổ, theo môn. Trước đó, các trường đã phổ biến đến phụ huynh trong cuộc họp đầu năm về chủ trương này để phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm. Cô Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) cho biết: “Việc thay đổi cách đánh giá học sinh bằng nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm sẽ giúp cho giáo viên sâu sát hơn với học sinh của mình, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong học tập và rèn luyện. Và nhờ không có điểm số mà học sinh bớt đi áp lực về thành tích, không khí lớp học sẽ trở nên thân thiện, gần gũi hơn. Khi phổ biến Thông tư 30 đến toàn thể giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu chúng tôi khi nhận xét bài làm của học sinh không được dùng những từ quá ngắn gọn như: Được, chưa được, cần cố gắng, cố gắng… mà phải dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tình cảm, tránh tổn thương trẻ, nhận xét làm sao để học sinh nỗ lực hơn nữa trong học tập”. Từ năm học 2013-2014, các trường tiểu học trên cả nước đã thực hiện thí điểm không chấm điểm đối với học sinh lớp 1. Sau một năm học triển khai, hầu hết giáo viên cũng như phụ huynh đều nhận thấy đã giảm được áp lực học tập cho các em, chỉ rõ những hạn chế của học sinh, phương hướng giải quyết để gia đình, nhà trường, học sinh cùng phối hợp thực hiện; đặc biệt là kịp thời động viên, khuyến khích các em tích cực phát huy hết khả năng của mình. Khi triển khai đại trà trong cả bậc học, các trường tiểu học cũng bớt bỡ ngỡ mặc dù giáo viên gặp phải những khó khăn ban đầu khi phải dành nhiều thời gian để nhận xét, đánh giá, phải lựa chọn lời nhận xét mang tính tích cực, động viên, tìm giải pháp khắc phục yếu kém cho học sinh. Việc đánh giá học sinh cũng phải bảo đảm toàn diện cả về kiến thức văn hóa lẫn đạo đức, năng lực tiếp thu; đặc biệt đánh giá trên 3 tiêu chí là: làm được gì, hạn chế gì và giải quyết hạn chế đó như thế nào chứ không như trước đây chỉ dựa trên kết quả làm bài, từ đó giáo viên cho điểm, đánh giá học sinh trên điểm số bài làm. Điều đó đòi hỏi mỗi giáo viên phải thực sự tâm huyết mới có thể đưa ra những đánh giá công tâm giúp học sinh tiến bộ, khuyến khích học sinh giỏi. Bên cạnh đó, cùng với việc đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, giáo viên sẽ phải đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: Tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; và đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước. Với cách đánh giá kết quả học tập mới này, tùy theo tình hình thực tế học tập của mỗi học sinh mà giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết vào vở bài làm của học sinh để các em biết cách vượt qua các lỗi mình mắc phải hoặc có thể ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh những điều cần lưu ý để có kế hoạch giúp đỡ. Đây là những việc làm cần thiết để giúp học sinh học tập tốt hơn, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về điểm số hằng ngày.

Tuy nhiên đối với nhiều giáo viên, việc thay điểm số bằng đánh giá có nhiều ưu điểm nhưng sẽ khiến thầy cô phải có trách nhiệm hơn, vất vả hơn khi phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Trong khi, một tiết học thường không đủ cho giáo viên nhận xét được hết tất cả các em, nhiều lắm cũng chỉ nhận xét được nửa lớp, vừa vất vả cho giáo viên lại vừa thiệt thòi cho các em không được cô nhận xét. Như vậy sẽ không khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh một cách toàn diện được. Một khó khăn khác đối với các giáo viên, đó là việc nhận xét sao cho học sinh và phụ huynh thấy được quá trình học của các em thay đổi mà lời nhận xét đó không rơi vào tình trạng sáo rỗng lặp đi lặp lại. Với việc đánh giá bằng lời, các giáo viên sẽ mất nhiều thời gian để lời phê cho các em không giống nhau và thay đổi mỗi ngày. Với các em có kết quả tụt dốc thì việc nghĩ ra lời phê để các em không tự ti, mặc cảm và phụ huynh không hoang mang là rất vất vả. Bên cạnh đó, việc nhận xét trực tiếp cho học sinh, các em học sinh lớp 1 sẽ không nhớ về truyền đạt cho cha mẹ; còn viết vào vở thì các em không thể đọc được lời nhận xét của cô, vì lớp 1 các em chủ yếu đang nhận mặt chữ, học đánh vần. Chưa kể nhiều phụ huynh lo ngại nếu chỉ thông qua lời nhận xét của giáo viên thì họ khó nắm được khả năng học tập, sự tiến bộ của con…

Dẫu còn có những lo lắng, băn khoăn bước đầu khi tiếp nhận cách thức đánh giá mới nhưng với mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện, tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, ngành GD và ĐT đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất hơn nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com