Trong những năm gần đây, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Với 12 đơn vị đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh, các trường có khả năng đào tạo khoảng 10 nghìn học sinh/năm với 47 ngành nghề khác nhau trên các lĩnh vực, nhưng năm học 2013-2014, các trường do các bộ, ngành Trung ương quản lý chỉ tuyển được 12% chỉ tiêu, các trường do địa phương quản lý tuyển đạt 52,72% chỉ tiêu. Để thu hút học sinh vào học, các trường, các cơ sở đào tạo TCCN đang nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ giáo viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp đến học sinh.
Học sinh Trường Trung cấp Y tế Nam Định trong giờ thực hành. |
Trường Trung cấp Y tế Nam Định là đơn vị có lượng học sinh theo học đông nhất. Năm học 2013-2014, với chỉ tiêu là 1.300 học sinh, đã có 923 học sinh nhập học. Để đạt được kết quả đó, nhà trường đã tập trung đẩy mạnh chất lượng công tác dạy - học, thực hành của giáo viên và học sinh. Năm học vừa qua, nhà trường đã thẩm định lại toàn bộ bộ giáo trình đưa vào giảng dạy. Chương trình được biên soạn đầy đủ và cập nhật. Đội ngũ giáo viên đều tăng cường phương pháp giảng dạy tích cực, học sinh tiếp cận và chủ động hơn trong các bài học lý thuyết và thực hành, từ đó nâng cao hiệu quả học tập. Bên cạnh đó, công tác đánh giá học sinh được thực hiện đúng quy định và nghiêm túc, kết hợp nhiều bộ phận, đơn vị tham gia đào tạo để kiểm tra đánh giá học sinh, nâng cao tính khách quan, chính xác. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã liên hệ và đăng ký địa điểm thực tập cho học sinh tại 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 trung tâm chuyên khoa y tế dự phòng của tỉnh, 10 bệnh viện tuyến huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn trong tỉnh và tại 5 Cty dược trên địa bàn tỉnh. Học sinh thực tập tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế với tổng thời gian từ 60-75% chương trình học tập. Nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, Cty, mời bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng là trưởng các bộ phận, khoa phòng, có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia giảng dạy, bố trí phòng học, giao ban cho giáo viên, học sinh ngay tại bệnh viện. Nhân viên các bệnh viện, Cty tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành được nhà trường mời làm giáo viên thỉnh giảng kiêm nhiệm của trường. Nhà trường còn phối hợp tổ chức hội nghị bệnh viện - nhà trường, hoặc liên hệ trực tiếp, thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các phương thức điều trị mới, tiếp thu cải tiến phương pháp quản lý, giảng dạy, học tập. Học sinh sau khi ra trường đều đạt yêu cầu tay nghề của cơ sở sử dụng lao động và hầu hết đều có việc làm tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, Cty dược trong cả nước. Hiện tại, nhà trường đang tích cực liên hệ với các tổ chức, đơn vị tìm đầu ra cho học sinh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo và thu hút nguồn học sinh vào trường.
Thực tế cho thấy, nhu cầu cần lao động có tay nghề ở các bệnh viện, trung tâm y tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay là rất lớn, vì thế cơ hội việc làm cho học sinh học TCCN là khá cao. Một số nghề luôn “khát” lao động có tay nghề như: điều dưỡng, xây dựng, hàn, điện cơ, cơ khí, điện tử công nghiệp, điện lạnh, chăn nuôi thú y… nhưng vẫn thiếu “nguồn” tuyển. Trong khi đó, các trường TCCN vẫn khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hụt thông tin dự báo về nhu cầu phục vụ phát triển đào tạo nhân lực, về thị trường lao động; nội dung đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thực tiễn công việc còn có khoảng cách. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, nhà trường, xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đúng. Thêm vào đó, sự yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông do nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp đã gây trở ngại đến quyết định lựa chọn học nghề của học sinh. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh, ngành học giáo dục chuyên nghiệp đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch đào tạo toàn khóa, thông báo rộng rãi cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết, thực hiện, đồng thời điều chỉnh và công bố rộng rãi chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo. Tích cực thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội, bảo đảm chất lượng, phù hợp quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh. Các nhà trường tập trung đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả của người học gắn với chuẩn đầu ra; đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá kết quả của người học với sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động; thực hiện rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành chương trình đào tạo đối với tất cả các ngành cho từng đối tượng tuyển sinh. Trong năm học vừa qua, các trường đã điều chỉnh và biên soạn mới được 23 bộ giáo trình môn học và nhiều tài liệu tham khảo, điển hình như Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông, Trường Trung cấp Y tế. Bên cạnh đó, các trường tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, tận dụng mọi nguồn lực để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; đẩy mạnh việc đưa học sinh đi thực hành, thực tập tại các đơn vị sử dụng lao động và mời các nhà giáo, thầy thuốc, kỹ sư giỏi, nghệ nhân, công nhân lành nghề… tham gia giảng dạy. Tổ chức hoạt động dạy và học Ngoại ngữ gắn với các hoạt động dạy và học chuyên môn, nghiệp vụ và tạo thành phong trào thường xuyên, thiết thực, hiệu quả trong nhà trường. Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ để học sinh có thể làm việc tại các Cty, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài và tham gia xuất khẩu lao động. Năm học vừa qua, các trường đã cử 36 giáo viên dạy tiếng Anh đi rà soát, 9 giáo viên đi bồi dưỡng nâng bậc, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Để làm tốt hơn công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS vào học TCCN, các trường đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức tư vấn, tham quan tìm hiểu ngành nghề, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất cho học sinh, giúp cho các em hiểu cơ hội lập thân, lập nghiệp có thể đến với tất cả mọi nghề chứ không chỉ có con đường vào đại học, cao đẳng. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học các trường TCCN sẽ được tạo điều kiện để vừa học văn hóa, vừa học nghề; khi tốt nghiệp TCCN, các em vừa có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT vừa có bằng nghề và cơ hội học tiếp lên cao vẫn sẽ còn rộng mở. Bên cạnh đó, các trường TCCN cũng cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy nghề và đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao tay nghề, trình độ giáo viên… nhằm thu hút ngày càng đông học sinh vào học./.
Bài và ảnh: Hồng Minh