Khắc phục tình trạng "chạy trường, chạy lớp"

07:07, 24/07/2014

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm các trường học tuyển sinh đầu cấp, chuyện “chạy trường”, “chạy lớp” cho con luôn là vấn đề “nóng” được các bậc phụ huynh quan tâm. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, khi các trường THPT công bố điểm chuẩn vào lớp 10, thông tin “chạy” cho con vào các trường công lập chưa tuyển đủ chỉ tiêu lại rộ lên khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang. Chị B có con dự thi vào trường THPT A trên địa bàn Thành phố Nam Định, từ khi biết điểm thi của con còn thiếu 0,5 điểm, cả gia đình như ngồi trên “đống lửa” bởi lo rằng, nếu nộp đơn nguyện vọng 2 vào trường THPT C, dù còn dư mấy điểm so với điểm chuẩn của trường nhưng biết đâu trong số chỉ tiêu còn lại của trường, có nhiều hồ sơ dự tuyển cao hơn và có thể trong số nguyện vọng 2 có nhiều hồ sơ “chạy”. Thế nhưng khi đề cập đến việc nộp đơn cho con vào trường THPT ngoài công lập N trên địa bàn, chị hàng xóm “giãy nảy” lên cho biết: Trường dân lập đấy cũng phải có cách, hơn nữa, khi trường A công bố điểm lẽ ra chị phải rút hồ sơ ngay để nộp vào trường dân lập kia càng sớm càng tốt chứ để đến giờ có thể trường đã nhận đủ hồ sơ rồi, cũng không đến lượt con mình (?!) Vốn không có nhiều mối quan hệ, nên chị càng thấy hoang mang lo lắng, cuối cùng chị đành nộp hồ sơ dự tuyển cho con vào một trường ngoài công lập có chất lượng thấp hơn.

Các em học sinh lớp 12 Trường THPT C Nghĩa Hưng trao đổi bài.
Các em học sinh lớp 12 Trường THPT C Nghĩa Hưng trao đổi bài.

Những thông tin về việc “chạy trường” năm nào cũng có, với đủ mọi phương thức. Không chỉ “chạy” để vào trường mà còn “chạy” vào lớp “tốp A” cũng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Có thể thấy, hiện nay, vấn đề tuyển sinh đầu cấp, không chỉ diễn ra ở các trường THPT, THCS mà ngay ở một số trường tiểu học, dư luận cũng mặc nhiên nghĩ đến chuyện “chạy trường”, “chạy lớp”. Từ việc lo nhập hộ khẩu cho con đúng tuyến với trường tiểu học, đến việc tận dụng các mối quan hệ để “lo” cho con vào trường tốt ...(!). Tâm lý của nhiều bậc phụ huynh mong muốn con được học ở trường có chất lượng tốt, dù phải đóng góp nhiều hơn học sinh đúng tuyến, nên đối với các trường được coi là trường “điểm’’, trường chất lượng cao, áp lực từ việc nhận học sinh trái tuyến rất lớn, bởi học sinh đông, nếu không bảo đảm cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trong khi đó, đối tượng xin học trái tuyến thường là người thân, người quen, giáo viên trong trường và đôi khi còn từ những áp lực “vô hình’’ khác, mà hiệu trưởng nhà trường không thể chối từ (!).

Thực tế, trong những năm gần đây, Thành phố Nam Định đã không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, giảm sự chênh lệch về chất lượng đội ngũ giữa các trường. Ngoài ra, ngành GD và ĐT đã áp dụng một số biện pháp như luân chuyển cán bộ quản lý, mạnh dạn đề bạt và điều động các giáo viên có năng lực về công tác tại các trường còn khó khăn để xây dựng phong trào, nâng cao chất lượng và tạo sự đồng đều giữa các nhà trường..., từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường để học sinh được hưởng thụ điều kiện giáo dục như nhau. Bởi vậy, để từng bước giảm thiểu và không còn hiện tượng “chạy trường”, “chạy lớp”, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các nhà trường, không chỉ dựa vào các cấp chính quyền, ngành GD và ĐT mà ngay cả các bậc phụ huynh và bản thân học sinh cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc học tập của con em. Thực tế cho thấy, không phải cứ vào được trường, lớp vừa ý là mọi học sinh đều học giỏi mà quan trọng là khả năng, ý thức của học sinh đồng thời có sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh. Hơn nữa, đối với bậc tiểu học, không tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố đối với các lớp 1, 2, 3, 4  để tạo điều kiện cho nhà trường có thời gian tổ chức các hoạt động để học sinh có điều kiện được phát triển toàn diện về nhân cách và thể chất. Mặt khác, đối với trẻ 6 tuổi vào lớp 1, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Việc để con cái phát triển bình thường, được học tập trong môi trường hài hòa giữa gia đình và nhà trường, các em sẽ có tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe... Hiện nay, nhiều phụ huynh chỉ vì “nghe nói”, vì hiệu ứng đám đông mà tìm mọi cách xin học cho con vào trường tốt, lớp tốt, sau đó phó mặc cho nhà trường, cho giáo viên mà không nghĩ đến quyền lợi, sức khỏe và năng lực học tập của con.

Những câu chuyện về việc “chạy trường”, “chạy lớp’’ cũng xin được gửi tới các nhà quản lý giáo dục để có những biện pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Qua kết quả kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2014 mà một số trường đã công bố cho thấy, không ít em có điểm số cao, thậm chí đỗ thủ khoa mà chỉ học ở “trường làng” chứ chẳng phải trường chuyên, lớp chọn, càng khẳng định sự nỗ lực học tập của mỗi học sinh là vấn đề cốt lõi bảo đảm thành công./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com