Thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 và Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo”, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết đề ra, năm học 2013-2014 và những năm tiếp theo, ngành GD và ĐT tỉnh đã xác định tập trung phát triển toàn diện GD và ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế. Xây dựng Nam Định thành trung tâm GD và ĐT đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn giáo dục với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và cả nước. Tập trung giáo dục mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng của Đảng, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, đào tạo theo địa chỉ; bảo đảm công bằng xã hội về GD và ĐT, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Tiếp tục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và xã hội. Ngành tiếp tục tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên; đề cao năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, chuyên môn giỏi, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập. Bên cạnh đó thực hiện tốt chủ trương xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; phấn đấu đến năm 2025, giáo dục của tỉnh hội nhập và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Cô và trò Trường Tiểu học Xuân Hòa (Xuân Trường) trong một giờ học. |
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, ngành GD và ĐT tỉnh đã tập trung vào 5 giải pháp cơ bản, trong đó tiếp tục làm tốt công tác tham mưu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ đổi mới GD và ĐT. Sở GD và ĐT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao; Nghị quyết 16 của Ban TVTU về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông. Sở GD và ĐT đã phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh quan tâm đầu tư bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong học kỳ I vừa qua, toàn ngành đã đầu tư thiết bị thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với tổng kinh phí 17 tỷ 760 triệu đồng; thiết bị cho các cơ sở giáo dục xây dựng chất lượng cao là 6 tỷ 753 triệu đồng; thiết bị cho trường đạt chuẩn là 4 tỷ 400 triệu đồng; thiết bị cho các trung tâm GDTX là 1 tỷ 031 triệu đồng; thiết bị học ngoại ngữ là 6 tỷ 942 triệu đồng; mua sắm sách thư viện, sách tham khảo 2 tỷ 410 triệu đồng. Ngành GD và ĐT đã triển khai có hiệu quả việc đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học của Bộ GD và ĐT, thông qua việc vận dụng sáng tạo và hợp với tình hình của tỉnh theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Hoàn thiện hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong dạy - học và từng bước chủ động hội nhập quốc tế. Riêng ở bậc tiểu học, về nội dung giảng dạy, ngành đã chỉ đạo các nhà trường bố trí thời gian và nội dung hợp lý đối với các hoạt động dạy học và giáo dục để thực hiện chương trình và SGK theo quy định cho mỗi lớp; thực hành vận dụng kiến thức đã học và tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, dạy học các môn tự chọn, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa… Sở GD và ĐT cũng đã tổ chức Hội thảo Đổi mới hình thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho cán bộ và giáo viên trong tỉnh, đưa ra những đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, đồng thời triển khai nghiêm túc các chương trình: Thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam tại Trường Tiểu học A Yên Đồng (Ý Yên). Thực hiện mô hình này, nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung SGK, chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình hiện hành, đồng thời tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thống sang khuyến khích, hướng dẫn học sinh tự học là chính, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục mở, bảo đảm học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập cho người dân. Năm học vừa qua, toàn tỉnh đã có 179.383 lượt người được tham gia ở 2.897 lớp học tập với các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện ATGT, phòng, chống tệ nạn xã hội và có trên 7.000 học viên vào học tại các trung tâm GDTX trong tỉnh. Để hỗ trợ tích cực cho yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT, ngành đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong dạy - học và từng bước chủ động hội nhập quốc tế. Mỗi năm, toàn ngành đã có hàng nghìn sáng kiến, kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các biện pháp đổi mới giảng dạy trong từng lĩnh vực, từng bài giảng cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động ở trường học được chú trọng. Đến nay, 100% trường THPT và THCS đã triển khai việc dạy tin học trong nhà trường, các trường tiểu học đưa môn Tin học là một trong hai môn học tự chọn của học sinh. Tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đã sử dụng máy tính phục vụ công tác quản lý và dạy học ngày càng tăng. Khối THPT mỗi trường đã có tối thiểu một phòng máy với 35 máy tính, có ít nhất 2 máy chiếu, 1 máy tính xách tay, 1 bảng thông minh phục vụ hoạt động giảng dạy. Tất cả các trường đã kết nối in-tơ-nét; 100% các trường, các Phòng GD và ĐT, trung tâm GDTX sử dụng thư điện tử để phục vụ công tác quản lý. Nhiều trường THPT đã lập hộp thư điện tử cung cấp cho học sinh lớp 12 để tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin thi và tuyển sinh. Đặc biệt, mỗi năm học có hàng nghìn tiết dạy có ứng dụng CNTT và hàng nghìn giáo án điện tử chất lượng được chia sẻ trên website của các trường để cán bộ, giáo viên tham khảo, áp dụng. Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học của hệ thống trường học trong tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm học này, ngành đã thực hiện thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh nhằm hướng tới đổi mới, nâng cao năng lực cho giáo viên học sinh theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngành cũng đã tăng cường bồi dưỡng về phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý với việc mở hàng trăm lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác GD và ĐT, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả và thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về GD và ĐT. Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD và ĐT. Công tác thi đua - khen thưởng được tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, bảo đảm công khai, công bằng, khách quan, để trở thành động lực cho các cá nhân, tập thể phấn đấu vươn lên, đưa GD và ĐT tỉnh nhà tiếp tục đổi mới và phát triển./.
Bài và ảnh: Hồng Minh