Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ cho học sinh phổ thông

07:04, 10/04/2014

Từ nhiều năm qua, các cấp học trong tỉnh từ tiểu học đến THPT đều thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh theo quy định của Bộ GD và ĐT. Riêng bậc tiểu học, do môn Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy như một môn tự chọn nên đến nay có 99,2% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 tham gia với thời lượng 2 tiết/tuần. Đội ngũ giáo viên dạy môn Ngoại ngữ đủ về số lượng, với 100% đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2011-2020, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Hướng dẫn học sinh tiểu học ôn tập tham gia Cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Nam Định).
Hướng dẫn học sinh tiểu học ôn tập tham gia Cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Nam Định).

Mục tiêu của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh, nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên và học sinh, bảo đảm sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp và tiếp tục học tập ở những cấp cao hơn. Để thực hiện mục tiêu trên, Sở GD và ĐT đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm; bắt đầu từ lớp 3 môn Ngoại ngữ được đưa vào chương trình học bắt buộc và phấn đấu đến năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 60% các trường tiểu học, 30% các trường THCS và THPT dạy tiếng Anh theo chương trình mới và đạt 100% vào năm học 2017-2018. Đồng thời, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, bảo đảm học sinh học xong chương trình tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1, tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2, tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Phát triển đội ngũ giáo viên dạy môn Ngoại ngữ bảo đảm đủ về số lượng và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; đến năm 2015, toàn ngành phấn đấu có 30% giáo viên dạy ngoại ngữ ở các cấp học có trình độ trên chuẩn và đạt 60% vào năm 2020. Đến năm 2015, 60% giáo viên dạy ngoại ngữ ở các cấp học có trình độ năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD và ĐT và đạt 100% vào năm 2018. Trong những năm học vừa qua, Sở GD và ĐT đã thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học ngoại ngữ theo kế hoạch của Bộ GD và ĐT. Đổi mới hình thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của học sinh; đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên dạy ngoại ngữ được tham gia các lớp tập huấn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới của Bộ GD và ĐT. Trong các năm học, ngành GD và ĐT đã cử giáo viên dạy ngoại ngữ cốt cán của các trường tham dự các khóa tập huấn có chất lượng trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với các chương trình giáo dục hiện đại, trao đổi kinh nghiệm dạy học. Phấn đấu trong giai đoạn 2011-2015, toàn ngành có khoảng 800 giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT và tuyển chọn từ 5-10 giáo viên đào tạo tại nước ngoài. Trước khi bước vào năm học mới 2013-2014, Sở GD và ĐT đã cử 1.000 giáo viên dạy môn Tiếng Anh ở cả ba cấp học đi học tập, bồi dưỡng tại các lớp nâng cao năng lực, trong đó có 150 giáo viên được bồi dưỡng năng lực do Bộ GD và ĐT tổ chức, 850 giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực do Sở GD và ĐT tổ chức; 20 giáo viên THCS được cử đi học tại Xinh-ga-po… Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT cử cán bộ quản lý, giáo viên dạy ngoại ngữ tham gia các lớp bồi dưỡng theo chương trình nâng cao năng lực dành cho các trường được chọn để xây dựng thành đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ của Đề án. Theo đó, năm 2014, các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) và THPT A Hải Hậu được lựa chọn để xây dựng thành đơn vị điển hình về thực hiện đổi mới toàn diện công tác dạy và học ngoại ngữ; mỗi trường cử từ 2 đến 4 giáo viên dạy môn Tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy và cử từ 1 đến 2 cán bộ quản lý tham gia tập huấn về xây dựng, quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động của mô hình điển hình. Công tác tổ chức các hoạt động đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ cũng được các nhà trường quan tâm đầu tư học liệu, tài liệu, phần mềm dạy và học ngoại ngữ, các trang thiết bị phục vụ dạy và học. Sở GD và ĐT cũng đã triển khai giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong nhà trường, trước hết trong học kỳ 2 năm học 2013-2014 có 5 trường THPT, gồm: A Hải Hậu, Giao Thuỷ, Tống Văn Trân (Ý Yên), Lý Tự Trọng (Nam Trực), Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) được chọn xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đã cử ít nhất 1 giáo viên ở mỗi môn Toán, Lý, Hóa, Sinh tham gia giảng dạy. Các trường THPT khác như: Nguyễn Khuyến, Hoàng Văn Thụ, Lê Quý Đôn, Xuân Trường B, Nam Trực, A Nghĩa Hưng, B Nghĩa Hưng, Trực Ninh đã cử lãnh đạo phụ trách chuyên môn và ít nhất 1 giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên tham gia hội thảo và học tập kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). Ngoài ra, Sở GD và ĐT khuyến khích cán bộ, giáo viên của các đơn vị khác tham gia giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Để thực hiện dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, các nhà trường đã chọn giáo viên có năng lực (cả về chuyên môn và tiếng Anh) tham gia dạy các tiết dạy trong sách giáo khoa hoặc các chuyên đề tự chọn thuộc chương trình THPT và chọn đối tượng học sinh có năng lực về môn Tiếng Anh. Việc xây dựng giáo án đều có sự phối hợp của các giáo viên trong tổ, nhóm tiếng Anh của nhà trường và tham khảo, chia sẻ với các đồng nghiệp có kinh nghiệm ở các trường và địa phương khác. Trước khi thực hiện giảng dạy, giáo viên phối hợp với giáo viên tiếng Anh cung cấp cho học sinh từ vựng, thuật ngữ và cấu trúc tiếng Anh liên quan đến bài học để đạt được hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã tổ chức nhiều cuộc thi tiếng Anh trên mạng in-tơ-nét thu hút hàng nghìn học sinh trong toàn tỉnh tham gia, tạo chuyển biến đáng kể trong phương pháp dạy và học môn ngoại ngữ ở các nhà trường. Cũng trong năm học, lần đầu tiên Sở GD và ĐT tổ chức cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh dành cho học sinh trung học, tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện, phát huy năng lực nghe, nói và giao tiếp bằng tiếng Anh, nhờ đó đã có tác dụng tích cực trong đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường. Để thực hiện tốt Đề án, ngành GD và ĐT cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục liên kết, hợp tác giảng dạy, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đủ trình độ ngoại ngữ làm giáo viên dạy ngoại ngữ trong các nhà trường, nhất là đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao; thu hút sự tham gia đào tạo của các tổ chức, đội ngũ giáo viên tình nguyện có chất lượng của những nước nói tiếng Anh; đồng thời từng bước tổ chức các buổi giao lưu cho giáo viên và học sinh tại một số nước nói tiếng Anh.

Với tổng kinh phí để thực hiện Đề án là 224.920 triệu đồng, trong đó kinh phí giai đoạn 2011-2015 là 105.750 triệu đồng được cấp từ Đề án 1400/QĐ-TTg của Chính phủ (Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020) và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác, cùng với sự quan tâm đầu tư và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành và ngành GD và ĐT, hy vọng việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh sớm đạt được mục tiêu đề ra./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com